Câu chuyện “tam nông”
Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình 42-CTr/TU ngày 10/10/2022 của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, “tam nông” tỉnh ta đã phát triển lên tầm cao mới.
Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần thứ hai, Đảng ta ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trước đó, ngày 5/8/2008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW- nghị quyết đầu tiên của Đảng đề cập tới 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Có một điều khá đặc biệt là ở tỉnh ta, từ năm 2007, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 01/TU về “đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân”.
|
Việc sớm có Nghị quyết về “tam nông” không chỉ thể hiện rõ sự sáng suốt, tính đúng đắn trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh mà còn khẳng định quyết tâm tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Mặc dù sau đó, Nghị quyết 01/TU được thay thế bằng chương trình thực hiện Nghị quyết TW 7, nhưng những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực hiện là khá toàn diện; và những chỉ tiêu phấn đấu mà Nghị quyết 01/TU đề ra vẫn mang tính định hướng cao, phù hợp với thực tế địa phương.
Ngày 10/10/2022, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan điểm nhất quán là nông nghiệp, nông dân, nông thôn có quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Trong đó nông nghiệp là lợi thế của địa phương, một trong những trụ đỡ của kinh tế và an ninh lương thực.
Hàng loạt mục tiêu cụ thể cũng được xác định, bao gồm duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 7%/năm, chiếm khoảng 19-20% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.
Phấn đấu đến năm 2030, có trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.
|
Trong hơn 1 năm thực hiện, Chương trình số 42-CTr/TU, các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện. Trong đó, nông nghiệp được định hình phát triển theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; khai thác và phát huy lợi thế của từng địa phương, từng tiểu vùng.
Các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh được hình thành, gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Mối liên kết “4 nhà” được siết chặt, từng bước hình thành liên kết “6 nhà”. Hệ thống hợp tác xã và tổ hợp tác được quan tâm củng cố, đổi mới và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Tính đến ngày 30/10/2023, toàn tỉnh có 200 HTX hoạt động trong lĩnh vực này, tăng 35 HTX so với năm 2022; doanh thu bình quân khoảng 1,035 tỷ đồng/HTX/năm; số lượng thành viên là 3.158 thành viên.
Với sự hỗ trợ từ chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp bước đầu xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động như thiết kế logo, bao bì, nhãn mác, thiết kế kiểu dáng công nghiệp.
Các địa phương cũng đã lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các nguồn vốn, chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 32 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn mới; có 26/95 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm xây dựng thôn NTM giai đoạn 2022- 2023 đạt chuẩn 10/10 tiêu chí.
Công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước chuyển dịch về khu vực nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho lao động. Mạng lưới hạ tầng thương mại dần phát triển với 4 chợ hạng II, 28 chợ hạng III và hệ thống chợ dân sinh miền núi giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
Là trung tâm, là động lực để giải quyết vấn đề “tam nông”, nông dân được hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được đảm bảo quyền làm chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; được hỗ trợ để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Đặc biệt, với sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần thay đổi nhận thức, giúp nông dân người DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và đều qua các năm.
Tất nhiên, vẫn còn số hạn chế cần khắc phục như: Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kết quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa thật sự bền vững; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Nhưng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn dân, “tam nông” tỉnh ta sẽ khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn, nhanh chóng vươn lên tầm cao mới.
Thành Hưng