Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh: Không chỉ nạn hàng nhái, hàng giả
Khi nghe thông tin về việc một vài tỉnh đang “kéo sâm Ngọc Linh về nhà mình”, phản ứng đầu tiên của tôi là “Sao có thể? Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu, có chỉ dẫn địa lý rồi cơ mà”.
Là người Kon Tum, tôi rất tự hào về việc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2016.
|
Sau lần mở rộng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” vào năm 2018, hiện Kon Tum có 9 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý, gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp thuộc huyện Đăk Glei; Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Khi ấy, tôi đã hăng hái truy cập trên internet tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý, vai trò và quyền lợi của chỉ dẫn địa lý. Nên tôi hiểu rằng, chỉ dẫn địa lý chính là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
|
Việc chỉ dẫn địa lý được bảo hộ giúp ngăn cấm những chủ thể không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn, để sản phẩm có chỉ dẫn địa lý không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” mà Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho sản phẩm sâm củ ở vùng núi Ngọc Linh có thể xem là “lá bùa” bảo vệ thương hiệu, danh tiếng đối với sản phẩm.
Nên khi nghe thông tin về việc một vài tỉnh đang “kéo sâm Ngọc Linh về nhà mình”, phản ứng đầu tiên của tôi là “Sao có thể? Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu, có chỉ dẫn địa lý rồi cơ mà”.
Nhưng đó là thật. Sáng 12/4, người bạn ở Báo K. cho hay, một ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh K. mới tổ chức hội thảo khoa học đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh” tại khu bảo tồn thiên nhiên này.
Đây là đề tài nghiên cứu được triển khai từ tháng 11/2018. Hiện 834 cây sâm đã có trọng lượng củ từ 2,8-3,6g; hàm lượng saponin toàn phần và hàm lượng saponin chính đều đạt cao- anh bạn cho hay.
Trước đó, báo chí đưa tin, ở tận tỉnh S., một tỉnh miền núi phía Bắc, cũng có hẳn một khu trồng sâm Ngọc Linh với gần 10.000 cây sâm từ 2 - 7 năm tuổi. Chủ khu vườn đang có ý định mở rộng quy mô vườn cây.
Tôi thật sự băn khoăn khi nghe tin này!
Có thể thấy, có những địa phương đang muốn “đưa sâm Ngọc Linh về nhà mình”. Vậy sâm Ngọc Linh trồng ngoài khu vực chỉ dẫn địa lý có còn là “sâm Ngọc Linh” hay không?
Bên cạnh đó, việc các tổ chức, cá nhân sử dụng cụm từ “Sâm Ngọc Linh” mà không được phép của chính quyền các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có được coi là hành vi vi phạm, hoặc giả mạo về chỉ dẫn địa lý?
Theo các chuyên gia, sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, mọc ở những nơi cố định (dưới tán rừng già trên dãy núi Ngọc Linh nằm giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam) và có những đòi hỏi riêng về điều kiện thổ nhưỡng, kế đến là độ che phủ, điều kiện khí hậu.
Ngày 28/12/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum (Quyết định 1247/QĐ-UBND).
Trong đó, xác định mục tiêu là đảm bảo quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đáp ứng các điều kiện quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; giữ gìn và phát triển uy tín của chỉ dẫn “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Đồng thời, đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có chất lượng và nguồn gốc địa lý như đã được bảo hộ.
Theo Quy chế, một trong những điều kiện để sản phẩm sâm củ được dán tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” là sản phẩm sâm củ phải có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và đã được đăng ký chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Trên thực tế, mỗi khi nhắc đến cuộc chiến bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, chúng ta chỉ để ý đến khía cạnh hàng nhái, hàng giả, nhưng chưa để ý đến việc “sâm Ngọc Linh” trồng ngoài khu vực chỉ dẫn địa lý cũng có thể đe dọa đến thương hiệu.
Sẽ ra sao nếu sau này, hàng loạt sản phẩm sâm củ có xuất xứ từ các vùng núi khác được gắn mác “sâm Ngọc Linh” và tung ra thị trường?
Đến lúc ấy, ai sẽ là người chứng minh sâm Ngọc Linh có xuất xứ từ khu vực chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” khác với “sâm Ngọc Linh” của khu vực X, Y, Z nào đó?
Và dù không muốn, “sâm Ngọc Linh” cũng sẽ là “tên chung”, chứ không phải là thương hiệu, thể hiện tính đặc hữu cho “quốc bảo” có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Sâm Ngọc Linh, với giá trị y dược học và kinh tế đặc biệt cao của mình, đang là hướng phát triển mới được quan tâm đầu tư, cả về chính sách và nguồn lực. Trong quá trình này, việc phổ biến ra diện rộng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, phổ biến không có nghĩa là sử dụng cụm từ “sâm Ngọc Linh” đại trà.
|
Bản thân tôi tán thành việc khuyến khích mở rộng việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, nhưng phải có kiểm soát. Nếu mở rộng ở vùng khác, thì cần xem xét lại việc gắn nhãn “sâm Ngọc Linh”, đồng thời phải thông tin rất rõ ràng, chính xác về xuất xứ để khách hàng lựa chọn.
Muốn như vậy, trước hết cần làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý cho sâm nhằm bảo hộ sản xuất.
Việc này còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tốt nguồn gen thuần chủng của sâm Ngọc Linh, đảm bảo không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loài sâm hoặc dược liệu khác.
Hồng Lam