Tết “ấm” với nghề truyền thống
Gần Tết là thời điểm những cơ sở, gia đình làm nghề truyền thống tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đưa ra thị trường các sản phẩm bánh, thực phẩm khô chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhờ đó, những người làm nghề vừa có thêm thu nhập để lo Tết, vừa có điều kiện giữ gìn nghề.
Tất bật chạy đua với đơn hàng
Thời gian này, nhịp độ hoạt động của các lò bánh tráng ở thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) khẩn trương hơn ngày thường. Các hộ làm nghề đang chạy đua sản xuất để kịp đáp ứng các đơn hàng. Vì thế, trời chưa hửng sáng, trong gian bếp của nhiều hộ gia đình làm bánh tráng đã đỏ lửa, bắt đầu cho một ngày làm việc mới.
Chị Nguyễn Thị Kim Trang chia sẻ: 2 giờ sáng là mẹ con tôi đã dậy để khuấy bột, bắc bếp, đổ bánh, mỗi ngày làm khoảng 500 - 600 cái, đến khoảng 8 giờ xong là mang ra phơi. Nay thời tiết thuận lợi, nắng nhiều nên chỉ phơi khoảng 4-5 tiếng là bánh khô, thu vào rồi mang giao cho mối hàng, ngày nào hết ngày đó. Khoảng 3 - 4 giờ chiều, tôi lại bắt tay vào việc xay bột, chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ bánh ngày hôm sau. Làm nghề này tuy không nặng nhọc, nhưng phải thức khuya, dậy sớm, chăm chỉ, chịu khó.
|
Cách nhà chị Trang không xa là lò bánh của gia đình bà Huỳnh Thị Cảnh. Bình thường, mỗi ngày bà Cảnh chỉ làm khoảng 400 - 500 bánh, nhưng vào dịp Tết, số lượng bánh tăng hơn khoảng 1,5 lần. Bạn hàng đặt nhiều nên bà phải huy động thêm các con phụ giúp để kịp số lượng, thời gian giao hàng cho khách.
Đôi tay vừa thoăn thoắt lấy chiếc bánh chín đã trải ra giàn, rồi múc bột đổ vào khuôn tráng chiếc bánh mới, bà Cảnh vừa vui vẻ trò chuyện: Từ đầu tháng Chạp, bạn hàng ở khắp nơi đã gọi điện đến đặt bánh với số lượng lớn, nhưng tôi cũng chỉ nhận cầm chừng vì sợ làm không kịp, không đảm bảo chất lượng, mất uy tín. Càng gần Tết, nhu cầu càng nhiều, song tôi cũng chỉ dám nhận đơn của những mối quen, còn lại đành phải từ chối.
Đa số các gia đình làm bánh tráng ở thôn Phương Quý 1 vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với quy mô nhỏ, nhưng đổi lại chất lượng bánh làm ra thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Dưới nắng xuân hanh vàng, các gia đình tận dụng mọi khoảng trống trong trong sân vườn, bên tường nhà, ngoài hàng rào để phơi bánh. Các vỉ bánh tráng được xếp nối tiếp nhau tỏa hương thơm của bột gạo, dừa, mè.
Cũng như các hộ làm bánh tráng, vào dịp này, cơ sở sản xuất miến dong riềng đỏ Nhân Nguyễn của gia đình bà Trần Thị Tám (thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) cũng tất bật không kém để đáp ứng được lượng đơn hàng gia tăng.
|
Theo bà Tám, từ tháng 11 âm lịch, lò miến đã phải tăng công suất, huy động các thành viên trong gia đình tham gia làm để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Bận rộn hơn cả là tháng Chạp, lúc thị trường có nhu cầu cao, bà Tám phải thuê thêm nhân công để phụ thêm một số công đoạn như phơi, bó, đóng gói. Tuy nhiên, do gia đình bà Tám vẫn duy trì phương thức làm miến thủ công truyền thống nên sản lượng làm ra không nhiều, mỗi ngày chỉ khoảng 80- 90kg miến thành phẩm, nhỉnh hơn so với ngày thường khoảng 20 - 30kg/ngày.
Những ngày này, thời tiết ủng hộ, các hộ làm bánh tráng, miến ở Phương Quý tranh thủ nắng ráo, nắm bắt nhu cầu khách hàng làm đủ lượng sản phẩm cung ứng thị trường Tết.
Ấm no nhờ nghề truyền thống
Miên man quanh câu chuyện làm miến, chúng tôi được biết, gia đình bà Tám gắn bó với nghề làm miến này đã hơn 40 năm. Quá trình làm miến trải rất qua nhiều công đoạn, từ ngâm, khuấy, lọc bột, làm chín bột, ép, phơi, cuối cùng tạo những sợi miến màu xám trong được bó lại bằng dây chuối khô để đưa ra thị trường. Sản phẩm miến dong của gia đình bà Tám sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không pha trộn, không sử dụng chất tẩy trắng cùng với công thức bí truyền nên có hương vị thơm đặc trưng, vừa sạch, vừa dai, nấu chín không bị bở nát.
Năm 2021, sản phẩm miến dong riềng đỏ Nhân Nguyễn được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Có thương hiệu, khẳng định được chất lượng nên sản phẩm miến dong riềng đỏ Nhân Nguyễn được thực khách nhiều nơi ưa chuộng. Vì thế, sản phẩm không chỉ đứng vững ở thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng.
Minh chứng rõ nhất cho “sức hấp dẫn” của sản phẩm miến dong riềng đỏ Nhân Nguyễn là những cuộc điện thoại đặt hàng liên tục được gọi đến mà chúng tôi được chứng kiến trong khoảng thời gian ngắn ngủi có mặt tại xưởng. Tuy nhiên, do lượng miến sản xuất mỗi ngày có hạn nên vợ chồng bà Tám phải từ chối nhiều đơn hàng.
“Mặc dù bận rộn, vất vả, nhưng bù lại, nghề làm miến cũng cho thu nhập tương đối ổn định. Mấy mươi năm nay, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, việc nhiều nên tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn, nhờ đó, gia đình có điều kiện sắm sửa đồ đạc, thoải mái chi tiêu tết nhất” - bà Tám cười trải lòng.
Cũng như gia đình bà Tám, hơn 40 năm qua, công việc làm bánh tráng giúp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Cảnh.
Bà Cảnh tâm sự: Lò bánh nhà tôi đỏ lửa quanh năm, chỉ khi nào mưa nhiều quá thì mới nghỉ ít ngày. Ngoài việc giữ lại các hương vị và cách làm truyền thống, tôi cũng luôn quan tâm đa dạng các loại sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, giữ giá bán ổn định nên được bạn hàng tin tưởng, ủng hộ. Mỗi cái bánh tráng chỉ có giá bán mấy ngàn đồng, lời lãi không lớn, nhưng người làm nghề chúng tôi chịu khó lấy công làm lãi, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 -300.000 đồng, đủ để trang trải cho sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Vào dịp Tết, thu nhập khá hơn nên gia đình có điều kiện sắm Tết tươm tất, đủ đầy.
|
Từ Vinh Quang, chúng tôi vòng qua phường Nguyễn Trãi, ghé thăm cơ sở sản xuất bánh của ông Thái Tài Thuận (tổ 3, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) để cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương của những ngày giáp Tết. Hai vợ chồng ông Thuận, mỗi người một việc, người trộn bột, người xay dừa, vắt nước cốt để làm nguyên liệu cho mấy mẻ bánh men đã được khách hàng đặt từ mấy hôm trước.
Nhiều năm nay, cơ sở sản xuất bánh của ông Thuận nổi tiếng với nhiều loại bánh cung ứng trên thị trường như bánh trung thu, bánh men, bánh gừng.
Ông Thuận chia sẻ: Tôi nắm công thức làm rất nhiều loại bánh nên chỉ cần khách hàng có nhu cầu, đặt hàng tôi đều có thể làm. Trước đây, sức khỏe tốt, vào mùa Tết, tôi nhận rất nhiều đơn hàng, phải thuê thêm cả nhân công để làm, nhưng giờ lớn tuổi, chỉ dám nhận vừa phải. Nghề làm bánh tuy không giàu, nhưng thu nhập đều đặn, ổn định, nếu biết tính toán chi tiêu, tiết kiệm thì cũng có chút dư giả. Đặc biệt, những người lớn tuổi như tôi, không làm được việc nặng, không bươn chải nắng mưa thì nghề làm bánh rất phù hợp, giúp đảm bảo cuộc sống, không phải phụ thuộc con cháu.
Dù phải cạnh tranh với rất nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên thị trường, nhưng với lối đi riêng, các hộ làm nghề truyền thống vẫn đang “sống khỏe” với nghề. Hơn thế nữa, việc các gia đình duy trì “lửa nghề” còn giúp nhiều lao động địa phương có thêm việc làm, cải thiện thu nhập mỗi độ Tết đến Xuân về.
Thùy Hương