Sức sống mới ở Đăk Krăk
Gần 10 năm thành lập, từ vùng đất khô cằn, làng tái định cư Đăk Krăk (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đăk Krăk đang trở thành một làng quê trù phú, điển hình cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống của người dân.
Đầu tàu của làng
Làng tái định cư Đăk Krăk được thành lập theo Đề án xây dựng khu tái định cư, giãn dân các làng đồng bào DTTS khu vực nội thành, thành phố Kon Tum. Năm 2015, thành phố Kon Tum thực hiện giãn dân 72 hộ đồng bào DTTS của phường Quang Trung và phường Thống Nhất. Khi đến khu tái định cư mỗi hộ dân xây dựng nhà ở được cấp 1ha đất để trồng cao su, được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện và nâng cao đời sống.
|
Tuy nhiên, thời điểm ban đầu, việc vận động người dân di dời đến nơi mới là cả một sự gian nan, vất của các cấp ủy, chính quyền địa phương của thành phố Kon Tum. Bởi khi ấy, bà con chưa hiểu, ngại thay đổi, hơn nữa do thói quen sống gần gũi cha mẹ, họ hàng nên nhiều người không muốn đi. Để giãn dân thành công, cấp ủy, chính quyền thành phố Kon Tum một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, một mặt tìm chọn người đi tiên phong. Và, sau đó, Y Nếp đã được chọn bởi chị là người có tinh thần trách nhiệm, chịu khó, cần cù, năng động.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, tư tưởng đã thông, Y Nếp đã xung phong đi đầu. Theo chị Nếp, khi ấy, chị nghĩ đến câu nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền”, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Là người trẻ tuổi, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghĩ là làm, nên chị không ngần ngại đăng ký xung phong rời làng cũ về ở vùng đất mới tái định cư Đăk Krăk hôm nay.
Chị Nếp chia sẻ: Nếu không đi thì khó phát triển được, vì ở làng cũ không có đất sản xuất, trong khi đó, tới làng mới, mỗi hộ đi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, 1ha đất sản xuất thì chỉ cần mình chịu khó lao động sẽ thành công.
Về nơi ở mới, đất đai rộng rãi, với sức trẻ cùng với sự quyết tâm, vợ chồng Y Nếp chịu khó lao động, cải tạo vườn tạp, vay vốn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển thêm chăn nuôi và đa dạng hóa các loại cây trồng. Đất không phụ công người, cuộc sống ở nơi mới của Y Nếp dần dần ổn định, đời sống ngày một được nâng lên. Gia đình chị đã thoát khỏi cảnh nghèo, không phải lo chạy lo từng bữa cơm, thiếu thốn trăm bề như trước kia.
|
Từ tấm gương và thực tế tận mắt thấy Y Nếp thành công, nhiều người dân cũng bắt đầu nghe, đồng thuận rời làng cũ về nơi ở mới. Tới nơi ở mới, có nhà cửa ổn định, đất đai rộng rãi, học theo Y Nếp, bà con nông dân nơi đây cũng tích cực lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, vì vậy, sau thời gian, cuộc sống của người dân dần ổn định, đời sống từng bước được nâng cao.
Với uy tín và sự năng động, Y Nếp được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Sau khi thành công với việc vận động người dân về nơi ở mới và khi cuộc sống người dân dần ổn định, Y Nếp lại tiếp tục vận động cùng bà con dân làng tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như thành lập, duy trì phát triển đội cồng chiêng xoang, gìn giữ các bộ cồng chiêng và duy trì các lễ hội truyền thống đặc sắc.
Với những đóng góp tích cực cho làng, năm 2018, Y Nếp vinh được kết nạp vào Đảng và sau đó, được bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Đăk Krăk. Y Nếp trở thành đầu tàu của làng tái định cư Đăk Krăk.
Ông Phan Văn Pháp- Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Với trách nhiệm của mình, chị Y Nếp rất năng nổ, chịu khó, đi sâu , đi sát, có mối quan hệ tốt với chính quyền và người dân. Chị chính là cầu nối để người dân nghe và tin tưởng hơn vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chị Y Nếp thực sự là tấm gương sáng, đi đầu trong mọi lĩnh vực của làng Đăk Krăk.
Đổi thay vùng đất mới
Sau gần 10 năm thành lập, từ vùng đất khô cằn, được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, với sự chăm chỉ, cần mẫn của người dân làng Đăk Krăk đã biến mảnh đất khô cằn năm xưa trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú và đầy triển vọng trong tương lai. Bà con nơi đây đã và đang đoàn kết, quyết tâm bám đất, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển trên vùng đất mới này.
Trở lại làng tái định cư Đăk Krăk, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay rõ rệt ở ngôi làng mới này. Cơ sở hạ tầng được quan tâm, đầu tư đồng bộ, bài bản. Con đường giữa làng được trải nhựa rộng rãi và thẳng tắp. Các tuyến đường ở các ngõ hẻm đều được bê tông hóa phẳng lì, thuận lợi trong việc đi lại; điện, nước cũng được kéo về từng căn nhà phục vụ sinh hoạt của người dân. Từ 72 hộ ban đầu, đến nay, làng Đăk Krăk đã phát triển thành 89 hộ với 468 nhân khẩu. Đáng mừng hơn là trước đây, 100% hộ dân đều là hộ nghèo thì đến nay, Đăk Krăk chỉ còn 1 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo. Cả làng đã có 15 hộ giàu và 27 hộ khá. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 38 triệu đồng/năm.
|
Sự đổi thay rõ nét nhất chính là cuộc sống của người dân thay đổi mọi mặt. Đơn cử như gia đình anh A Hưih, trước đây cũng là một hộ nghèo khi rời làng cũ Kon Tum KNâm về làng tái định Đăk Krăk nhưng sau gần 10 năm, giờ đây anh đã trở thành hộ giàu ở ngôi làng mới này. Trên diện tích gần 1000 m2 đất xung quanh nhà, trước đây anh trồng mì, không hiệu quả nên đã chuyển sang trồng mít Thái mỗi vụ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Cho đến nay, với gần 1ha cao su và chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình anh Hưil cũng cho thu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng.
Anh A Hưih cho biết: Ban đầu, đến làng mới cũng khá vất vả nhưng giờ cuộc sống ở đây tốt lên nhiều rồi. Nhà nước quan tâm đầu tư điện đường, trường trạm bài bản, lại cấp đất, xây dựng nhà ở, hỗ trợ cây con giống, chăm lo cho người dân phát triển kinh tế gia đình nên mình vui và mừng lắm. Mình cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm. Giờ mình ở đây quen rồi, vừa rộng rãi, thoải mái, thoáng mát nên giờ không muốn về bên thị luôn, chỉ có việc gia đình, hoặc ngày tết, lễ mình với về thăm ở làng cũ thôi.
Tương tự, chị Y Kyaoh cũng bày tỏ sự vui mừng khi giờ đây cuộc sống ở ngôi làng mới hơn hẳn nơi ở cũ. Năm 2015, chị cùng gia đình rời làng Kon Tum Knâm đến vùng đất mới Đăk Krăk. Ban đầu cuộc sống khó khăn nhưng sau thời gian lao động, giờ đây cuộc sống của gia đình chị đã thay đổi. Chị Y Kyaoh không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà còn vươn lên là hộ khá giàu của làng. “Mình đã quen với cuộc sống mới ở đây. Cuộc sống đã ổn định, so với nơi ở cũ thì ở đây tốt hơn nhiều nên giờ mình chỉ lo làm ăn, nâng cao đời sống thôi. Mình biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”- chị Y Kyaoh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Mân - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát, giải quyết những khó khăn của người dân; đồng thời, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân, thành phố tiếp tục hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ để người dân phát triển kinh tế với quyết tâm xây dựng làng tái định cư Đăk Krăk trở thành khu tái định cư kiểu mẫu của thành phố.
Gần 10 năm rời làng, từ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, các hộ dân tại làng Đăk Răk đã an tâm gắn bó với nơi ở mới, đang cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc trên ngôi làng mới.
Phúc Nguyên