Người giữ nghề đan lát ở Tu Cấp
Nhiều năm qua, hình ảnh ông A Lý ở làng Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) ngồi ở cửa nhà, miệt mài đan lát đã quen thuộc với người dân. Hễ dăm bữa nửa tháng, ông A Lý không đan, lũ trẻ con trong làng, người già lại thấy thiếu vắng.
Ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông A Lý nằm nơi lưng chừng dốc. Trong căn nhà vách ván, ông A Lý nhóm bếp lửa, hơi ấm bao trùm mọi ngóc ngách, xua tan cái giá lạnh của núi rừng, khiến tôi thấy ấm áp khi vừa đặt chân vào nhà. Tôi nhâm nhi ly nước ấm ông A Lý mời, rồi lặng lẽ ngồi nghe ông kể lại câu chuyện gắn bó với nghề đan lát từ nhiều năm nay. Ông nói rằng, nghề đan lát đã theo ông từ nhỏ. Từ khi ông biết dùng dao, dùng rựa thì được cha chỉ dạy cho cách vót nan, đan lát.
|
Ông A Lý nhớ lại: “Ngày còn nhỏ, mỗi khi cha tôi đan lát là ông ấy bắt tôi ngồi lại xem. Lúc đầu thì cảm thấy chán và không hứng thú với việc đan lát, cứ ngồi được một tý là mỏi chân, muốn ra chơi cùng đám bạn trong làng. Cha tôi hay dặn, đàn ông Xơ Đăng phải biết đan lát gùi, bởi chiếc gùi là vật dụng quen thuộc, cần thiết của mỗi gia đình, là vật bất ly thân của bà con mỗi khi lên rừng, lên rẫy”.
Đến khi thấy những đứa bạn trong làng bắt đầu học đan lát, có đứa đã làm được chiếc gùi, khi ấy A Lý mới nhớ lại lời cha dặn và bắt đầu có ý định học đan gùi. Nhiều đêm liền, A Lý không đến nhà rông của làng để chơi đùa cùng đám bạn mà ngồi ở nhà xem cha đan lát.
Cha nhóm bếp lửa giữa nhà rồi bầu bạn cùng những cây tre, cây lồ ô. A Lý cũng ngồi cạnh đó, nhanh chóng học được cách vót nan, đan lát. Năm A Lý 14 tuổi, cha không may mắc bệnh qua đời, để lại những chiếc gùi và dụng cụ đan lát.
Cha mất đi để lại trong lòng A Lý một nỗi trống vắng. Có khoảng thời gian, cứ nhìn những vật dụng ấy lại nhớ đến hình ảnh cha ngồi, nhớ đến lời dạy khi còn sống. Nén lại nỗi buồn, A Lý thay cha làm trụ cột gia đình, tiếp tục tạo ra những chiếc gùi để phục vụ đời sống sinh hoạt.
|
Nhiều đêm liền, A Lý ngồi bên bếp lửa, tay cầm con dao nhỏ mà cha dùng để đan lát và không nguôi tiếc nuối rằng mình không chịu học đan lát sớm hơn để khi cha mất bản thân chỉ mới học được cách làm gùi, còn cách làm nong, làm nia vẫn chưa được chỉ dạy.
Từ ngày cha mất, cùng với việc tự làm gùi, A Lý đã chịu khó đến những người lớn tuổi trong làng để học thêm cách đan nong, đan nia, học cách uốn tròn thanh tre, học cách nhuộm màu cho nan. Nhiều cụ già thấy A Lý có tố chất giống cha, chịu khó, khéo léo nên tận tình chỉ dạy. A Lý thông minh, sáng dạ nên tiếp thu việc đan lát rất nhanh. Chỉ vài hôm, A Lý đã học được cơ bản các kỹ năng đan nong, nia và có thể tự tay làm được.
Khi trở thành thanh niên và lập gia đình, A Lý đã là một người đàn ông Xơ Đăng thực thụ, vừa chăm lo làm việc rẫy, vừa khéo đan lát. Cứ vài hôm, A Lý lên rẫy làm việc lại chặt lồ ô, chặt tre mang về nhà chẻ lạt. Tối đến, bên bếp lửa, A Lý lại miệt mài đan lát như bóng hình cha ông khi còn sống.
Ông A Lý kể: Khi có gia đình, tôi mới thấy gánh nặng mà ngày xưa cha mang vác trên vai lớn thế nào. Khi cha dặn học đan lát để sau này rất có ích trong cuộc sống, nhưng có lúc tôi lại thờ ơ và ỷ lại cha mình nên không chịu khó học. Đan lát không chỉ giúp gia đình có dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt, có thể trao đổi hàng hóa mà còn giúp bản thân thư giãn sau một ngày lao động mệt nhọc.
Khi đan thành thạo, ông A Lý bắt đầu sáng tạo những điểm nhấn riêng cho sản phẩm của mình. Ông lợi dụng màu vàng của vỏ lồ ô khi phơi khô, cùng với màu trắng của phần ruột, rồi sắp xếp, đan xen nhau tạo ra nhiều họa tiết trên chiếc nia, chiếc gùi. Cùng với đó, ông còn tự học cách đan những chiếc thúng, chiếc mâm để phục vụ ăn cơm hằng ngày.
|
Để chứng thực, ông A Lý lấy những chiếc nia treo trên tường cho chúng tôi xem tận mắt mặt nia do chính tay ông đan. Những họa tiết đan hình ca rô trông rất bắt mắt và được đan rất chắc chắn. Còn những chiếc gùi cũng được ông A Lý đầu tư đan rất công phu, dày công tạo ra. Những chiếc gùi nan khít có nắp đậy, miệng gùi được nhuộm màu đen từ nhựa cây rừng trộn cùng than giã nhuyễn quét lên.
Chính những nét riêng ấy đã khiến chiếc gùi, chiếc nia ông A Lý làm ra được nhiều người biết đến. Nhiều người dân trong và ngoài làng đã tìm đến A Lý để đặt hàng. Giờ đây, ngoài thu nhập từ việc làm rẫy, ông A Lý còn kiếm thêm tiền từ nghề đan lát truyền thống. Trung bình mỗi tháng, ông A Lý đan khoảng 7 – 10 chiếc gùi, chiếc nia, theo yêu cầu đặt hàng của khách. Mỗi chiếc gùi tùy theo kích thước, kiểu cách có giá bán từ 300 - 500 nghìn đồng; mỗi chiếc nia tùy theo kích thước có giá bán từ 500 đến 1 triệu đồng.
Ông A Lý chia sẻ: Tôi rất vui vì ngày nay nhiều người đã ưa chuộng sử dụng các sản phẩm từ đan lát, qua đó giúp tôi cũng như những người đang gắn bó với nghề đan lát có thêm thu nhập, có động lực để tiếp tục với nghề. Tuy nhiên, tôi cũng khá buồn và trăn trở vì con cháu, những người trẻ ngày nay không còn yêu nghề đan lát, sợ rằng nghề này dễ bị mai một nếu không biết bảo tồn và phát huy.
Ông Lương Dương Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông cho biết: Ông A Lý là một trong số ít những người còn duy trì nghề đan lát trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người trẻ tích cực học nghề đan lát để có thêm thu nhập, đồng thời phối hợp mở các lớp truyền dạy kỹ năng nghề truyền thống, trong đó có đan lát để nghề này không bị mai một; kết nối, tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm đan lát để người dân yêu nghề đan lát trên địa bàn có thêm động lực gắn bó với nghề.
Văn Tùng