Nặng nợ với nghề đan lát
Thấy chiếc gùi lạ, nguyên liệu chính không phải bằng giang, nứa tự nhiên mà bằng lạt nhựa màu xanh, nhìn thanh thoát, khá bắt mắt, tôi trầm trồ khen gùi đẹp. Ông A Gởi nhoẻn miệng cười: “Giang, nứa, mây tre trong tự nhiên không còn nhiều như ngày xưa nên mình đan gùi bằng lạt nhựa, giặm thêm tre, nứa ở thân gùi, giáp lưng mang. Gùi bằng lạt nhựa nhẹ, bền, chịu mưa nắng, bà con thích mua”.
Độc đáo gùi lạt nhựa
Mời khách ngồi ngay dưới gốc nhãn góc sân nhà, ông A Gởi (76 tuổi, dân tộc Ba Na, ở làng Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum) cầm hai tay xoay xoay chiếc gùi lạt nhựa. Ông bảo với tôi rằng, việc ông đan gùi lạt nhựa bắt nguồn từ ý thức giữ nghề đan lát và nặng nợ với đan lát.
Theo ông, người Ba Na cũng như nhiều dân tộc tại chỗ ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung có truyền thống đan lát các vật dụng bằng giang, nứa, mây, tre dùng trong sinh hoạt gia đình. Từ thuở thiếu thời, như bao chúng bạn cùng trang lứa, ông thích đan lát. Người dạy ông đan lát không ai khác chính là cha ông.
|
Vốn thông minh, lại được người cha truyền dạy tận tình nên ông sớm biết đan lát. “Trước đây, cha tôi giỏi đan lát và hay đan lát. Trong những lúc nông nhàn, cha thường hay mang lạt lên nhà rông để đan. Bọn trẻ chúng tôi thường lên xem, rồi cùng nhau tìm nứa chẻ lạt và học đan theo. Học theo cha và được cha chỉ bảo, năm 16 tuổi, tôi đan thành thạo nhiều sản phẩm truyền thống”- ông A Gởi bộc bạch.
Thả hồn theo dòng hồi ức, ông A Gởi nhớ lại ngày trước ra khỏi thôn khoảng 2-3 km là rừng, là có giang, nứa, tre. Dọc theo dòng sông Đăk Bla cũng có nhiều tre nứa. Tuy nhiên, theo thời gian, núi đồi được khai thác làm rẫy, cây giang, nứa, mây, tre ngày càng hiếm dần. Để có lạt để đan, trong những năm gần đây, ông trồng thêm tre điền trúc vừa để lấy măng ăn, vừa có tre chẻ lạt và tìm thêm dây nhựa từ các cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng thải ra về đan gùi.
Ông A Gởi cho hay, ngày xưa, con trai Ba Na không chỉ giỏi săn bắn, chèo thuyền độc mộc mà còn giỏi đan lát các vật dụng bằng giang, nứa, mây, tre dùng trong sinh hoạt hằng ngày như: Gùi đi rừng, đi rẫy; rổ xúc cá, đó đơm cá, giỏ đựng cá; nong, nia đựng và phơi sản phẩm nông nghiệp. Con trai Ba Na phải học đan cho giỏi, không giỏi đan lát, không giỏi sông nước, không giỏi săn bắt thú rừng sẽ bị các cô gái chê cười, không để ý đến. Cũng như con gái không biết trồng bông, dệt thổ cẩm sẽ bị cho là kém cỏi.
Không để thua kém chúng bạn cùng trang lứa và các cô gái chê cười, ngay từ thuở thiếu thời, A Gởi sớm ý thức bổn phận của con trai Ba Na. Chính vì vậy, các công việc của con trai như đan lát, bẫy bắt chim, chuột, thú rừng, bơi lội, chèo thuyền độc mộc, ông đều rành từ khi còn trẻ.
|
Với bản tính cần cù, siêng năng, sau khi lập gia đình, trong những lúc nông nhàn, ông A Gửi thường dành nhiều thời gian đan lát. Sản phẩm đan lát của ông đẹp, bền có tiếng ở làng.
Gắn bó với đan lát đã thành nếp trong sinh hoạt, hễ vài hôm không đan, ông A Gởi cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu. Vì vậy, đan lát còn là cách để ông trải lòng. Không chỉ đan lát các vật dụng cho gia đình, ông còn đan lát để đổi chác, bán kiếm tiền trang trải thêm cho nhu cầu cuộc sống.
Trong các sản phẩm đan lát, gùi bằng lạt nhựa của ông A Gởi đan được người dân trong làng xem là sáng tạo và độc đáo nhất. Gùi bằng lạt nhựa bền, đẹp, chịu được nắng mưa nên người dân thích hơn gùi bằng tre, nứa.
Đánh giá cao sản phẩm mang tính sáng tạo
Điều đáng nói là lạt nhựa đan gùi được ông A Gởi nhặt và xin từ các cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng thải ra sau khi tháo gỡ hàng hóa. Thấy ông nhặt, xin lạt nhựa thải về đan gùi, các chủ cửa hàng sau khi tháo gỡ lấy hàng thường để dành cho ông, không bỏ vào thùng rác hay thải ra môi trường. Vì vậy, ông không tốn tiền mua lạt nhựa và đỡ mất thời gian tìm tre, nứa chẻ lạt.
Để gùi nhựa khi mang không bị cấn đau lưng, phần thân gùi áp vào lưng, ông A Gởi dặm kín nan tre, nan nứa. Gùi nhựa do A Gởi đan, mang vừa nhẹ, vừa êm lưng, chị em phụ nữ Ba Na rất hài lòng.
|
“Tiếng lành đồn xa”, gùi lạt nhựa ông A Gởi đan không chỉ được dân làng Kroong Klah biết đến mà còn có nhiều người ở các làng khác tìm đến mua hoặc đặt làm. Chính vì vậy, không khó hiểu khi gùi lạt nhựa ông làm không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông A Mlưn- Bí thư Chi bộ thôn Kroong Klah khen: Sản phẩm truyền thống của ông A Gởi đan đẹp, có nhiều chủng loại, sáng tạo, nhất là gùi, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Gùi lạt nhựa không chỉ góp phần bảo tồn mà còn phát huy giá trị nghề đan lát.
Cán bộ và người dân địa phương đánh giá cao sản phẩm đan lát của ông A Gởi, nhưng ông cho rằng mình làm vì niềm đam mê và kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Điều làm ông A Gởi lo lắng nhất hiện nay là lớp trẻ không chú ý đến nghề đan lát.
“Trong làng, lớp người lớn tuổi như tôi chỉ còn có hai người đan lát là A Lâu và A Nhi. Nhưng hai ông không đan thường xuyên. Vì vậy, nếu không tổ chức truyền nghề, giữ gìn và phát huy giá trị nghề đan lát, sợ mai này, trong làng không còn ai biết nghề đan lát”- A Gởi trải lòng.
Không chỉ giỏi đan lát, ông A Gởi còn giỏi nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn ting ning, k’lông pút. Và chính ông cùng với ông A Mlưn tổ chức truyền dạy các bài chiêng “Đợi anh”, “Mừng lúa mới”, “Anh đi đâu”, “Cảm ơn A Dơn” cho đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng thiếu niên của thôn Kroong Klah.
Khi hỏi nếu như chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát, ông có tham gia không? Ông A Gởi bộc bạch: “Nếu chính quyền quan tâm mở lớp truyền dạy, tôi sẽ cố gắng tham gia để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một”.
Bàn việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Nguyễn Đình Nhiên – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kroong đánh giá cao những sản phẩm đan lát, nhất là gùi lạt nhựa của ông A Gởi. Theo ông Nhiên, sản phẩm gùi lạt nhựa không chỉ có tính sáng tạo mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống, bảo vệ môi trường.
“Chính quyền địa phương luôn ý thức cao trong việc bảo tồn nghề truyền thống và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong thời gian đến, thông qua các ngành, các cấp, xã đề nghị tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người có công giữ gìn nghề truyền thống và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như A Gởi để góp phần giữ gìn nghề truyền thống và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”- ông Nguyễn Đình Nhiên cho hay.
Văn Nhiên