Gìn giữ “lá phổi xanh”
Với những người giữ rừng ở Đăk Tô, dù gặp nhiều gian nan, vất vả, thậm chí là hiểm nguy nhưng họ không quản ngại khó khăn, vẫn ngày đêm bám trụ “ăn ngủ với rừng” để gìn giữ “lá phổi xanh”, bảo vệ sự bình yên cho cây rừng.
Nhọc nhằn giữ rừng
Cuối năm 2023, tôi có dịp theo chân những người giữ rừng của Phân trường 2 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý) đi tuần tra những cánh rừng trên địa bàn xã Đăk Rơ Nga, Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Được trải nghiệm thực tế với người bảo vệ rừng mới thấy được sự nhọc nhằn vất vả và khâm phục ý chí quyết tâm giữ rừng ở họ.
Mới chỉ đi được vài con dốc thẳng đứng, với quãng đường chưa đầy 2km mà chúng tôi phải nghỉ vài lần để lấy sức mới có thể đi tiếp. Ấy vậy mà những người giữ rừng hàng tháng, họ đi qua hết từ cánh rừng này, đến cánh rừng khác, thậm chí có nhiều chuyến tuần tra họ đi liên tục 3-4 ngày, ăn ngủ trong rừng để tuần tra, bảo vệ rừng. Đây cũng là việc làm thường xuyên của đội ngũ quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Những nhọc nhằn của họ khó có thể kể hết được.
|
Theo anh A Thái- Phó trưởng Phân trường 2, mỗi tháng, đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng đều dành từ 3-4 lần đi tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi lần đi thường có 3-4 người, đi từ 2-3 ngày, thậm chí có lần lên 4-5 ngày. Mỗi lần như vậy, họ chuẩn bị đầy đủ quân tư trang, gùi theo đủ các vật dụng như xoong nồi, gạo, thức ăn, để ăn ngủ giữa rừng. Công việc tuần rừng vô cùng vất vả, đặc biệt là mùa mưa. Những cơn mưa rừng xối xả, đường trơn trượt, đi rất khó khăn, vất vả. Khó nhất là làm sao, giữa mùa mưa để dựng lều, đốt lửa để nấu cơm, hoặc đun nước để ăn uống. Nếu không có kinh nghiệm thì khó mà thực hiện được bởi lá cây thì ướt, củi thì ẩm không dễ để nhóm lửa. “Thú thật, cũng có không ít lần, do mùa mưa, không thể nhóm lửa, chúng tôi phải ăn sống mì tôm và lương khô để lấy sức đi tiếp”- A Thái tâm sự.
Theo lời kể của những người giữ rừng nơi đây, việc đi tuần rừng không chỉ rất vất vả, mà thậm chí rất nguy hiểm. Đã có một số trường hợp đi rừng bị rắn cắn ong đốt, thậm chí, không ít lần phải đối mặt với lâm tặc hung hãn.
Anh Võ Văn Lĩnh (cán bộ bảo vệ rừng thuộc Phân trường 2) là người có thâm niên 5 năm làm công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây chia sẻ: Trước đây, tại khu vực rừng Đăk Rơ Nga, đã có một vài trường hợp người dân đi rừng bị rắn cắn, ong đốt chết. Riêng với bản thân tôi, trong nhiều chuyến đi tuần rừng, cũng đã không ít lần đối mặt với lâm tặc. Tuy nhiên, khi lâm tặc phát hiện chúng tôi thì họ vội bỏ chạy vào rừng sâu. Rất may, khi ấy chúng tôi có nhiều người nên chúng cũng không dám làm gì.
Đem câu chuyện mới đây một cán bộ bảo vệ rừng ở Đăk Lăk bị bắn chết khi đi tuần một mình ở khu vực “điểm nóng” hồi đầu tháng 12 hỏi anh Lĩnh thì anh không ngần ngại nói liền: “Sợ gì. Bởi kẻ trộm thì bao giờ cũng sợ chủ nhà mà”. Tuy nhiên, theo anh Lĩnh, việc đi tuần rừng một mình sẽ rất nguy hiểm nên mỗi lần đi tuần, thường đi từ 3-4 anh em. Khi gặp lâm tặc thì mình cũng có đủ người và khiến lâm tặc sợ hơn, sẽ không dám manh động.
Món quà của rừng xanh
Công tác bảo vệ rừng từ xưa đến nay chưa bao giờ là dễ dàng, bởi, lâm tặc luôn rình rập và tìm nhiều cách để chặt hạ cây rừng nên việc bảo vệ rừng luôn vất vả, gian nan. Tuy nhiên, với trách nhiệm của đội ngũ quản lý bảo vệ rừng ở địa bàn Đăk Tô và sự cộng đồng bảo vệ của người dân, những cánh rừng ở Đăk Tô, Tu Mơ Rông vẫn được canh giữ cẩn thận. Nhiều khu rừng cho đến nay vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây rừng cổ thụ. Một trong những cây rừng đó là cây sao cát cổ thụ (tại lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 281, thuộc thôn Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ) có tuổi đời lên đến vài trăm năm. Cây sao cát này trở thành biểu tượng, niềm tin của người dân nơi đây.
Theo chân cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của Phân trường 2, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cây sao cát hàng trăm năm tuổi đang mọc sừng sững giữa rừng. Cây có đường kính khoảng 4 mét, cao khoảng 35 mét, khoảng 10 người lớn mới ôm hết thân cây. Cây ít cành, ít tán nhưng lại rất thẳng vươn lên cao hơn hẳn những cây khác. Cây sao cát này là cây cao, to nhất trong tiểu khu 281 này.
|
|
Theo những người bảo vệ rừng nơi đây, cây sao cát trên là cây rừng lớn nhất tại Kon Tum, bởi họ đã đi nhiều cánh rừng nhưng chưa bao giờ thấy được có cây nào to, cao như vậy. Cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào đo, kiểm tra, phân tích tuổi thực sự của cây sao cát này. Họ chỉ ước tính tuổi của cây sao này phải đến vài trăm năm tuổi.
Theo anh A Thái (thôn Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ) thì anh đã được cha (năm nay đã hơn 70 tuổi) kể từ nhỏ đi rừng đã thấy cây sao cát này to gần như vậy rồi. Vì thế, người dân nhiều thế hệ nơi đây vẫn gọi cây sao cát này là cây nghìn năm tuổi. Cây sao cát cổ thụ này cũng là biểu tượng cho tinh thần giữ và bảo vệ rừng của những người giữ rừng và người dân nơi đây.
Theo ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cách đây hơn 30 năm cây sao cát này suýt bị cưa hạ. Cây bị “lâm tặc” cưa nhưng giữa chừng bỏ vì thân quá lớn, không thể vận chuyển ra khỏi rừng. Hơn nữa do phát hiện có người đi tuần nên lâm tặc đã bỏ đi, vì thế, cho đến nay, cây vẫn được bảo vệ nghiêm nghặt.
Thực tế tại đây, chúng tôi nhận thấy vết tích của việc cưa hạ cách đây 30 năm vẫn còn. Quan sát ở gốc cây, cách mặt đất khoảng 1 mét, cây có 3 vết cưa lớn, ăn sâu vào thân gần 1m. Vết cưa hở khoảng 50cm, người dân và các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đặt bảng cấm phá rừng tại những vết cưa này. Nhiều năm qua, cây sao cát này được người dân, chính quyền địa phương và Công ty bảo vệ tuyệt đối, không bị xâm hại. Người dân thường xuyên tổ chức các nhóm tuần tra, bảo vệ cây 24/24h, tránh kẻ xấu nhòm ngó. Người Xơ Đăng nơi đây gọi cây sao cát cổ thụ trên là món quà của rừng, không ai dám cưa hạ.
Quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh”
Cuối tháng 12/2023, dưới gốc cây sao cát hàng trăm năm tuổi này, gần một trăm hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư của 6 xã gồm Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) và Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) đã cùng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, kiểm lâm địa bàn thực hiện ký biên bản cam kết tiếp tục, quyết tâm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, kết hợp tuần tra, truy quét bảo vệ “lá phổi xanh” trên địa bàn. Cây sao cát hàng trăm năm tuổi này chính là minh chứng cho sự quyết tâm, trách nhiệm của cộng đồng, của những người giữ rừng để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi.
Dưới tán cây sao cát cổ thụ, các hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng thôn, làng đã cam kết cùng nhau quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn; thường xuyên cắt cử các hộ dân theo tổ, mỗi tổ từ 3-4 hộ thay phiên nhau đi tuần tra kiểm tra trực gác quản lý bảo vệ trên toàn bộ diện tích rừng đất rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ. Không cho bất kỳ trường hợp nào đưa phương tiện vào rừng để khai thác vận chuyển gỗ trái phép, hoặc có các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và đất rừng. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy ước của thôn, làng đối với các hộ gia đình cá nhân khi đốt dọn rẫy mà không chấp hành quy định về PCCCR để gây ra cháy rừng. Không cho người ngoài thôn làng vào rừng khi chưa có sự thống nhất đồng ý của thôn cũng như Công ty. Không tàng trữ, cất giấu, mua bán, lâm sản trái pháp luật; tuyệt đối không cho vận chuyển lâm sản trái phép đi qua thôn, làng mình và cùng nhau thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, quyết tâm gìn giữ “lá phổi xanh” cho tương lai.
Anh A Phương (làng Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga) cho biết: Với quyết tâm bảo vệ rừng, dân làng chúng tôi thường xuyên thay nhau, cắt cử người đi tuần tra, bảo vệ vững chắc những khoảnh rừng được giao khoán bảo vệ với mong muốn để cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi. Nhờ đó, người dân sống quanh có cuộc sống ổn định, được hưởng lợi từ các chính sách dịch vụ môi trường rừng.
Bảo vệ cây, giữ rừng là mang lại màu xanh của niềm tin, hy vọng. Đó cũng là điều mà người dân cùng những người giữ rừng trên địa bàn Đăk Tô đang quyết tâm bảo vệ tài nguyên rừng cho muôn đời sau.
Trước đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ khoảng 40.000ha diện tích đất và rừng tự nhiên nằm trên địa giới hành chính của ba huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy. Sau khi tỉnh thu hồi khoảng 16.000ha, hiện nay, Công ty còn quản lý khoảng 24.000ha.
Phúc Nguyên