Đồng thuận giao đất mở đường
Trong khi nhiều nơi còn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án xây dựng cơ bản thì tại Dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 675, sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân đồng thuận, sẵn sàng bàn giao đất, cây cối hoa màu bị ảnh hưởng để con đường được mở rộng, thuận lợi trong đi lại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh lộ 675 có chiều dài gần 30km, là tuyến đường huyết mạch nối thành phố Kon Tum với huyện Sa Thầy, có lưu lượng người và phương tiện lưu thông cao. Tuyến đường này được xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Để đảm bảo đi lại, tỉnh ta đã bố trí nguồn vốn triển khai Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 675 (đoạn từ Km0 - Km24), có chiều dài sửa chữa 21,1Km, tổng mức đầu tư là 129,773 tỷ đồng. Dự án được giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư, triển khai với quy mô là sửa chữa nền đường vá ổ gà, thảm tăng cường mặt đường cũ bằng bê tông nhựa dày trung bình 7 cm, cải tạo hệ thống thoát nước từ điểm đầu ngã 3 Trung Tín (thành phố Kon Tum-giao đường Hồ Chí Minh) đến điểm cuối tại cầu Đăk Sia, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy).
|
Trong quá trình triển khai dự án, có 9 điểm phải nắn tuyến, ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng của hàng chục hộ dân của 2 địa bàn huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum. Đây cũng là vấn đề nan giải nhất đối với Dự án Tỉnh lộ 675 nói riêng và các dự án đầu tư xây dựng khác nói chung. Thế nhưng, vấn đề tưởng như khó khăn nhất lại được chủ đầu tư phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với “ý Đảng lòng dân”, tạo được sự đồng thuận của người dân. 36 hộ bị ảnh hưởng về đất, cây trồng (trong đó, huyện Sa Thầy có 10 hộ và thành phố Kon Tum có 26 hộ) dù chưa nhận tiền đền bù nhưng đã bàn giao mặt bằng để phục vụ triển khai đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Theo ông Phan Mười- Giám đốc Sở GTVT (đơn vị chủ đầu tư dự án), có được kết quả đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy trong công tác tuyên truyền, vận động. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, chính quyền các xã nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 675 cùng với các đoàn thể trên địa bàn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc mở đường nên đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất, ủng hộ. Do đó, dù chưa nhận tiền đền bù nhưng người dân ở các địa phương này đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng để phục vụ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
|
Cũng theo ông Mười, thời gian đầu, người dân chưa hiểu nên chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau thời gian kiên trì vận động, với sự vào cuộc của người cả hệ thống chính trị 2 địa phương, trong đó, nổi bật là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương, người dân hiểu được lợi ích của việc mở đường nên không toan tính. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm đếm cây trồng, đo đạc diện tích bị ảnh hưởng, xác định những giá trị tài sản trên đất, diện tích đất bị thu hồi đưa vào biên bản xác định cụ thể và cam kết sẽ tiến hành chi trả tiền đền bù theo đơn giá Nhà nước ban hành một cách kịp thời. Vì vậy, các hộ dân bị ảnh hưởng đều rất thống nhất tiến hành chặt phá cây trồng, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công công trình” - ông Mười cho hay.
Anh Lê Văn Ưng (trú tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) là một trong những hộ tiên phong bàn giao mặt bằng sau khi được chính quyền địa phương vận động. Gia đình anh có lô đất trồng cao su tại thôn Bình Tây (xã Sa Bình) với diện tích hơn 1.000m2, trồng hơn 100 cây cao su và thanh long, đang cho thu hoạch mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng. Nhưng, mảnh đất của anh Ưng lại nằm ngay khúc cua được thiết kế nắn tuyến khi triển khai sửa chữa Tỉnh lộ 675. Sau khi được tuyên truyền vận động, đến nay, dù chưa nhận tiền đền bù nhưng anh sẵn sàng bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công đường.
Anh Ưng bộc bạch: Dù biết việc bàn giao sớm khi chưa đền bù sẽ giảm thu nhập khá nhiều cho gia đình, tuy nhiên, vì lợi ích chung của xã hội, con đường được mở sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho việc đi lại cũng như góp phần bảo đảm an toàn giao thông, tôi chấp nhận chịu phần thiệt về mình.
Cũng như anh Ưng, gia đình bà Bùi Thị Liễu có thửa đất nằm ngay trên mặt đường Tỉnh lộ 675 ở thôn Bình Trung, xã Sa Bình. Tuyến đường nâng cấp, mở rộng sau khi đo đạc, gia đình bà phải thu hồi hơn 560m2. Dù diện tích đất mặt tiền thu hồi khá nhiều và đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù nhưng bà Liễu vẫn vui vẻ bàn giao mặt bằng. Theo bà Liễu, dù diện tích đất thu hồi nhiều nhưng bù lại khi đường lớn được mở rộng, khang trang hơn, giá trị diện tích đất sẽ tăng hơn nhiều lần so với trước kia. Vì vậy, khi được chính quyền xã đến tuyên truyền, vận động, phân tích thiệt hơn, cũng như đứng ra cam kết với người dân sau này sẽ thực hiện đền bù theo đúng giá quy định của Nhà nước nên gia đình bà đã bàn giao trước mặt bằng.
Bà Liễu chia sẻ: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, giải thích về ý nghĩa của việc mở đường nên tôi đã hiểu rõ hơn. Tôi thấy, việc bàn giao sớm mặt bằng không chỉ giúp đơn vị thi công có mặt bằng để xây dựng sớm hoàn thiện con đường mà khi đường được mở rộng cũng giúp cho mảnh đất, căn nhà mình sạch sẽ, đẹp hơn, giá trị mảnh đất sẽ tăng hơn. Đồng thời, đường mở rộng gia đình tôi và mọi người đi lại cũng thuận lợi, góp phần giảm bớt tai nạn giao thông. Chứ trước đây, đường hẹp, lại hư hỏng nhiều nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Vì thế nên tôi đã đồng ý bàn giao diện tích đất bị ảnh hưởng dù chưa được đền bù để con đường sớm được hoàn thành.
|
Còn anh A Blum (ở thôn Kroong Klah, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) cho biết, nhà anh có hơn 1.100 m2 đất đang trồng cao su, bời lời sát Tỉnh lộ 675. Khi con đường mở, nắn tuyến, gia đình anh bị thu hồi đến hơn 50% diện tích đất và cây trồng trên đất. Nhưng sau khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, giải thích, dù chưa nhận tiền đền bù nhưng anh đã sẵn sàng chặt cây, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Chia sẻ điều này với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: Không chỉ người dân đồng thuận trong việc mở Tỉnh lộ 675, mà trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân ở địa phương sau khi được tuyên truyền, vận động đã không chỉ đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm mà còn sẵn sàng hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn làm cho con đường, khu dân cư khang trang, sạch đẹp.
Những ngày này, trên Tỉnh lộ 675 không khí lao động khẩn trương. Cây cao su đang được người dân chặt, bán đến đâu đơn vị thi công đưa máy móc vào tới đó tiến hành thi công. Hàng chục máy móc, thiết bị đã được các nhà thầu tập kết, triển khai thi công. Những khúc cua trước đây vướng mặt bằng đã được mở rộng, san ủi, nắn tuyến. Những chiếc máy lu, máy múc đang ngày đêm lu lèn hoàn thiện con đường.
Ông Phan Mười nhấn mạnh, chúng tôi rất vui khi nhận được sự đồng thuận của người dân, vui vẻ bàn giao mặt bằng khi chưa nhận đền bù. Trong quá trình trao đổi, các hộ dân đều chung quan điểm là tất cả vì lợi ích chung. Bởi vậy với mục tiêu sớm hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, ngay sau khi có mặt bằng, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công huy động nhân lực, máy móc, tập kết vật liệu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng cường các mũi thi công, phấn đấu sẽ cơ bàn hoàn thành hạng mục chính là phần nền đường để phục vụ người dân có con đường mới đón xuân vui vẻ và an toàn.
Phúc Nguyên