Dân làng Kon Rôn đoàn kết làm nhà rông mới
Làng Kon Rôn nằm trên một triền đồi tương đối bằng phẳng, phía trước làng là suối Đăk Cấm cung cấp nước tưới, phù sa cho ruộng vườn nơi đây. Từ bao đời nay, nhà rông là nơi tụ họp, diễn ra nghi thức, lễ hội và lưu giữ các hiện vật truyền thống như: cồng, chiêng, trống, vũ khí, các vật tế lễ mang giá trị bản sắc văn hóa.
Theo dân làng Kon Rôn, trải qua gần chục năm mưa gió, nhà rông bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nên việc dựng lại nhà rông là trách nhiệm chung và có ý nghĩa thiêng liêng đối với dân làng.
Trước khi dựng lại nhà rông, già làng tiến hành bàn bạc với các cụ lớn tuổi trong làng, ban công tác thôn để thống nhất ý kiến. Sau đó, dân làng tiến hành họp bàn góp tiền của, công sức để dựng lại nhà mới và làm lễ cúng Yàng để xin phép cho làng thực hiện.
Nhà rông truyền thống chủ yếu làm bằng những vật liệu từ thiên nhiên như tre nứa, gỗ, mây. Trong điều kiện vật liệu ngày càng khan hiếm, việc dựng lại nhà rông đúng với kiến trúc truyền thống là điều không dễ dàng. Vì vậy, công tác chuẩn bị được dân làng bàn bạc, phân công hết sức nghiêm túc và kỹ càng, chi tiết.
|
Đầu tiên là già làng họp để chọn người có am hiểu về xây dựng, kiến trúc nhà rông truyền thống để phụ trách công trình. Sau đó mới định ngày tháo dỡ nhà rông cũ, phân công, giao định mức khối lượng cho từng người tìm kiếm, thu gom nguyên vật liệu cần thiết để bắt đầu xây dựng nhà rông mới.
Ông U Bảy (sinh 1973), người được chọn làm “công trình sư” xây dựng nhà rông, cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng nhà rông truyền thống là phần tìm kiếm nguyên vật liệu. Mặc dù một bộ phận vật liệu xây dựng nhà rông đợt này chủ yếu tận dụng từ nhà rông cũ tháo dỡ ra, nhưng những vật liệu như dây cột, lá mây lợp mái, tre nứa phải đi vào rừng sâu mới có được.
Điều đặc biệt trong việc xây dựng nhà rông ở đây là không có bản vẽ thiết kế nào cả, tất cả dựa vào trí nhớ, kinh nghiệm và vận dụng những vật liệu sẵn có để thi công cho phù hợp.
“Trước đây cha tôi cũng làm “công trình sư” khi xây dựng nhà rông cũ. Bản thân tôi cũng từng tham gia làm nhà rông nhiều lần nên có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật thi công, vì vậy được tin tưởng giao phó trọng trách. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhà rông có sự giám sát, góp ý của dân làng và những người hiểu biết về xây dựng nhà rông để lựa chọn cách thức thực hiện chuẩn xác, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn” - ông Bảy nhấn mạnh.
|
Để làm mới nhà rông, toàn bộ những người lớn trong làng được phân công những công việc phù hợp. Trai tráng thì tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế những phần gỗ hư hỏng, dây cột, mây, tre nứa và phụ trách những công việc nặng nhọc trong quá trình xây dựng nhà rông như làm giàn, khiêng dựng cột, kèo, thắt mối buộc sao cho chắc chắn, đẹp mắt; phụ nữ thì lên rừng lấy lá mây về bện lại để lợp mái, luộc dây để đảm bảo tính dẻo dai và không bị mối mọt cũng như đan tấm phên áp ngoài mái nhà rông, đan tấm nứa ốp xung quanh nhà rông; người lớn tuổi thì chẻ lạt (dây cột), đan phần trang trí trên đỉnh mái nhà rông.
Việc tham gia làm nhà rông trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tự giác. Công việc bắt đầu từ giữa tháng 9 đến ngày 5/11 thì hoàn thành. Một số người vì lý do khách quan không tham gia được thì đóng góp bằng tiền để mua những vật liệu trong quá trình xây dựng như xăng nhớt, dây điện, bóng đèn, đinh, kẽm.
Theo phong tục địa phương, trong quá trình xây dựng nhà rông, việc cúng tế là phần không thể thiếu. Đây là dịp để dân làng tạ ơn thần linh và cầu mong may mắn, công việc xây dựng suôn sẻ cũng như kêu gọi thần linh về chung vui cùng dân làng khi nhà rông hoàn thành, nên làng quy định mức đóng góp 50.000 đồng/người. Có 5 lần cúng tế (kể từ khi tháo dỡ nhà rông cũ đến khi hoàn tất nhà rông mới) vào các thời điểm như: Chuẩn bị tháo dỡ nhà rông cũ, dựng cột để làm nhà rông mới, chuẩn bị lợp mái, lễ vào nhà rông khi hoàn thành phần xây dựng và cuối cùng là lễ mừng nhà rông mới. Trong đó, có 3 thời điểm tổ chức cúng lớn, dân làng làm heo, gà lấy tiết để cúng tế. Đó là lúc dựng trụ, lễ vào nhà rông và lễ mừng nhà rông mới.
Ông U Nam Huế - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kon Rôn chia sẻ: Làng hiện có 240 hộ với 895 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá). Mặc dù thời điểm làm nhà rông cũng là lúc chuẩn bị thu hoạch cà phê, tuy nhiên, theo nguyện vọng của dân làng cần phải hoàn tất xây dựng nhà rông sớm phục vụ các dịp lễ lớn của làng như lễ Ting Pêng (bắn vật để hiến sinh thần linh), Tết truyền thống trong năm; vì thế, đông đảo dân làng đã sắp xếp việc nhà, dốc sức làm nhà rông nhanh nhất. Có lúc dân làng phải tăng cường làm ban đêm cho kịp thu hái cà phê. Mỗi ngày trung bình có hơn 170 người tham gia, tổng cộng dân làng đóng góp hơn 10.000 ngày công và hơn 50 triệu đồng.
|
Với sự đồng lòng của dân làng, nhà rông Kon Rôn hoàn thành sớm hơn dự kiến 8 ngày. Về kiến trúc nhà rông vẫn giữ nguyên bản của nhà rông trước đây, nhưng kích thước phần đầu 2 cửa ra vào lớn hơn. Đây là một nhà rông có kích thước lớn và hoành tráng với chiều dài phần nhà chính 22m, phần sàn đầu cửa vào dài 5m, phần sàn đầu cửa ra dài 2m, chiều rộng 12m và cao 15,5m; tổng diện tích sàn hơn 300m2, sức chứa hơn 200 người cùng lúc.
Đứng trước nhà rông hoàn thành, già làng U Đẻh nở nụ cười mãn nguyện: Mỗi lẫn xây dựng nhà rông là mỗi lần khó, mong rằng dân làng cùng gìn giữ, bảo vệ nhà rông thật tốt, để thời gian sử dụng được lâu dài góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi nhà rông truyền thống của người Tơ Đrá được hoàn thành suôn sẻ. Để làm thành công nhà rông này là nhờ sự đoàn kết, cùng nhau chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người. Với cương vị già làng Kon Rôn, tôi thật sự vui mừng khi thấy “trái tim” của làng hoàn thành như ý” - già làng U Đẻh bộc bạch.
Nguyễn Ban