Câu chuyện tình nguyện cuối năm
Trong những ngày cuối năm, các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Kon Tum thông qua các công trình, phần việc có ý nghĩa của mình đã lan tỏa hình ảnh đẹp trên khắp địa bàn tỉnh. Và thông qua từng hoạt động tình nguyện, các đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích giúp đỡ thanh, thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, làm nên những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, trong những ngày cuối năm này, đoàn viên, thanh niên tỉnh lại tất bật với các hoạt động tình nguyện. Xuất phát từ thành phố Kon Tum, vượt tầm 60km, qua những cung đèo uốn lượn, tôi có mặt tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông) để tham gia chương trình “Tình nguyện mùa Đông” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức.
Được Đoàn xã Măng Cành thông báo từ nhiều ngày trước, nên ngay từ sáng sớm, nhiều bà con tại các thôn, làng trên địa bàn xã Măng Cành đổ về Hội trường UBND xã để tham gia Chương trình “Tình nguyện mùa Đông” cùng tuổi trẻ tỉnh nhà.
|
Tại Chương trình, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Trao 200 áo ấm cho các em học sinh khó khăn tại xã Măng Cành; trao công trình thanh niên “Đoạn đường thanh niên thắp sáng” với 10 bóng đèn năng lượng mặt trời; trao công trình Vườn hoa thanh niên tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Kon Plông; khen thưởng cho 18 cá nhân, 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, tham gia Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng năm 2023”.
Ôm chiếc áo ấm mới vào lòng, em Y Lan ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành rạng rỡ: “Cuối năm, tiết trời ở đây trở lạnh. Những chiếc áo ấm tình nghĩa của đoàn viên, thanh niên là món quà không chỉ em mà các bạn ở đây đều ao ước. Dù chưa đến Tết, nhưng chúng em đã có đồ mới để khoe với bạn bè, gia đình. Em và các bạn thật sự rất vui khi được nhận áo ấm của Chương trình! Cám ơn các anh, chị thanh niên đã đến và giúp đỡ chúng em. Em xin hứa sẽ học tập thật giỏi để đáp lại tấm lòng của các đoàn viên, thanh niên”.
|
Cũng tại Chương trình, Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng đợt 5 được tổ chức. Qua đó, các thành viên Hội Thầy thuốc trẻ đã tư vấn sức khỏe, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 300 lượt người dân tại xã Măng Cành. Đồng thời, các thành viên tổ chức tập huấn, tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc.
“Vì hằng ngày đều bận rộn lo việc đồng áng, nên chúng tôi ít có cơ hội được khám sức khỏe, mua thuốc mỗi khi ốm đau. Nay thanh niên về xã, không chỉ tổ chức các hoạt động khám bệnh, mà còn cấp phát thuốc miễn phí cho mọi người. Đây là niềm động viên tinh thần đối với bà con chúng tôi, và càng ấm áp hơn, khi chương trình diễn ra trong thời điểm tết đến xuân về” - bà Y Tin (xã Măng Cành) tâm sự.
Rời xã Măng Cành, tôi đến với xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) để tham gia Chương trình “Tình nguyện mùa Đông” do Huyện đoàn Kon Rẫy phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Theo đó, Huyện đoàn đã vận động được các phần quà ý nghĩa: 1.600 cái khăn len, 300 áo ấm, 550 mũ lưỡi trai, 50 bình giữ nhiệt, 300 túi giữ nhiệt, 100 bóng bầu dục, 300 suất ăn cho các em nhỏ DTTS trên địa bàn. Đồng thời, chương trình cũng mang đến 15 suất quà để trao tặng cho các hộ gia đình khó khăn, cụ già neo đơn, có công cách mạng.
Bên cạnh các phần quà được hỗ trợ, Huyện đoàn Kon Rẫy cũng tổ chức tuyên truyền cho bà con và thanh niên trên địa bàn hiểu về tác hại của việc tảo hôn; giải thích, tìm hiểu một số nội dung trọng tâm về khái niệm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thông tin về mức độ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện nay. Qua đó, nâng cao nhận thức của bà con và thanh niên trên địa bàn, phòng tránh vấn nạn và hệ lụy của việc tảo hôn.
|
Anh Trần Đồng - Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy chia sẻ: Thông qua Chương trình, chúng tôi mong muốn giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên; khơi dậy tinh thần tình nguyện, tương thân tương ái của mỗi đoàn viên trong giúp đỡ thanh thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với chủ đề “Hướng về vùng đồng bào DTTS khó khăn”, Chương trình “Tình nguyện mùa Đông” được triển khai từ tháng cuối 11/2023 đến hết tháng 2/2024 trên toàn tỉnh. Trong đó, các tổ chức Đoàn, Hội ưu tiên tổ chức chương trình, hoạt động hướng về các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa; các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, rét đậm, rét hại và tại các xã nghèo; các địa bàn đang tập trung xây dựng nông thôn mới.
Theo chị Thái Thị Hoàn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Chương trình “Tình nguyện mùa Đông” năm 2023 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng. Chính vì vậy, các tổ chức Hội trên địa bàn tỉnh lựa chọn thực hiện các phần việc, công trình ý nghĩa, thiết thực để mang lại hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, các hoạt động xoay quanh những nội dung: Đồng hành, chăm lo cho người dân và thanh thiếu nhi; chương trình “Vì sức khỏe cộng đồng”, “Vì đàn em thân yêu”, “Chia sẻ cùng nhà nông”; hiến máu tình nguyện; các hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa bàn dân cư, trường học để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm theo mùa.
Đồng thời, xuyên suốt các hoạt động trong chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, các tổ chức Đoàn, Hội giúp đỡ, hỗ trợ người dân nghèo, học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động đón Tết cổ truyền; tổ chức các hoạt động hướng về ngày Tết, Chương trình “Xuân biên giới”, “Xuân yêu thương - Tết cho bệnh nhân nghèo”, Ngày hội bánh chưng xanh, “Bữa cơm Tất niên”, “Bữa cơm nhân ái”…
Chương trình “Tình nguyện mùa Đông” ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, ý thức và tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ tỉnh nhà trong các hoạt động tình nguyện, chung tay, chung sức vì cộng đồng. Qua đó để lại những ấn tượng đẹp, những dấu ấn thanh niên trong lòng thanh thiếu nhi và người dân ở cơ sở.
Tất Thành