Căng mình phòng chống cháy rừng ở ngã ba biên
Mặc dù đã xuất hiện vài trận mưa nhỏ trái mùa nhưng vẫn chưa thể làm hạ nhiệt nguy cơ cháy rừng. Vì thế, lực lượng chức năng ở trong tỉnh nói chung và ở ngã ba biên huyện Ngọc Hồi nói riêng vẫn đang phải căng mình ngày đêm “ăn ngủ với rừng” để phòng, chống cháy rừng.
Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang ở thời kỳ cao điểm của mùa khô. Những cơn nắng nóng “cháy da cháy thịt” vẫn còn được dự báo kéo dài đến hết tháng 5/2024 mới có thể hạ nhiệt, điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức rất cao.
Theo dự báo, toàn tỉnh nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp nguy hiểm. Trong đó, Ngọc Hồi là một trong những địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao- cấp IV. Vì thế, các lực lượng chức năng, chủ rừng và nhân viên bảo vệ rừng ở ngã ba biên Ngọc Hồi vẫn đang phải ngày đêm căng sức để bảo vệ sự an toàn cho những cánh rừng nơi biên cương của Tổ quốc.
|
Huyện Ngọc Hồi có gần 39.000ha rừng, đây cũng là thời gian cao điểm của mùa khô nên nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt, hiện nay cũng đang là mùa cao điểm người dân tập trung phát dọn, đốt rẫy, chuẩn bị cho việc sản xuất mùa vụ mới. Để hạn chế, không để cháy rừng xảy ra, ngoài việc thường xuyên tổ chức tuần tra canh gác 24/24 giờ tại điểm nóng, những khu vực rừng dễ cháy, tiến hành làm đường ranh cản lửa, phát dọn thực bì... các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trách nhiệm bảo vệ phòng chống cháy rừng, đồng thời, sẵn sàng các phương án huy động lực lượng tổ chức chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.
Chia sẻ nỗi vất vả trong công tác phòng chống cháy rừng, ông Nguyễn Vũ Hùng- Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi tâm sự: Toàn huyện có diện tích rừng lớn, tới gần 39.000ha nhưng cả Hạt chỉ có 17 công chức, người lao động, trong đó, có 8 kiểm lâm địa bàn nên anh em rất vất vả trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là vào mùa khô. Điều đáng nói, nhiều diện tích rừng trên địa bàn nằm tiếp giáp với rẫy của người dân, trong khi đó, nhiều khu vực rừng có lâm sản phụ như đót, tranh, le ở ngay bìa rừng, người dân địa phương lại có thói quen đốt rẫy (vào tháng 3, 4) nên rất dễ cháy lan vào rừng. Do đó, suốt mấy tháng ròng rã của mùa khô, gần như anh em phải căng mình trực tại các chốt bảo vệ và tổ chức đi tuần tra rừng nhằm phát hiện kịp thời đám cháy và huy động lực lượng triển khai chữa cháy khi có cháy xảy ra. Vì thế, mùa khô là mùa anh em vất vả nhất đối với nghề bảo vệ rừng.
|
Là đơn vị có diện tích rừng được giao quản lý nhiều nhất địa bàn huyện, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi được giao quản lý hơn 23.400ha, trải dài trên địa bàn 5 xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Xú, Pờ Y của huyện Ngọc Hồi và giáp với biên giới hai nước bạn Lào và Campuchia và các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Địa bàn rộng, nhưng hiện đơn vị chỉ có 46 cán bộ nhân viên và người lao động quản lý bảo vệ rừng; trong đó, chỉ có 36 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Người ít, diện tích rừng nhiều nên mùa khô, đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng càng thêm vất vả và luôn phải căng mình cho công tác phòng chống cháy.
Để hiểu hơn nỗi vất vả của những người làm công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng ở ngã ba biên, đầu tháng 4/2024, giữa cái nắng đổ lửa, “cháy da, cháy thịt” của mùa khô Tây Nguyên, vượt gần 100km, chúng tôi theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cùng nhân viên, người lao động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi đi tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực cột mốc 3 biên giới. Tại đây, chúng tôi chứng kiến những cánh rừng thông quanh khu vực cột mốc 3 biên vẫn xanh. Xung quanh những cánh rừng là cỏ lau lách khô héo, vàng úa. Dưới những tán rừng, do nắng nóng kéo dài mấy tháng qua nên nhiều loại cây bị héo lá, cỏ dưới tán rừng cũng bị chết khô khiến lớp thực bì càng dày hơn. Điều đó khiến nguy cơ xảy ra cháy rất cao và khả năng lan nhanh ở diện rộng.
Ông Trần Ngọc Thanh Vũ- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi chia sẻ: Với đơn vị, trong diện tích rừng được giao quản lý, vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao nhưng chúng tôi lo nhất là đối với 90ha rừng trồng thông. Trong đó, điểm nóng nhất là diện tích rừng tại khu vực cột mốc ba biên thuộc địa bàn 3 xã Đăk Xú, Pờ Y và Sa Loong. Khu vực này có khoảng 50ha rừng thông, có giáp ranh với nhiều khu rẫy sản xuất của người dân; trong khi đó, khu vực này địa bàn rộng, đi lại khó khăn, lại có cột mốc ba biên nên lượng người đến tham quan nhiều, chỉ cần sơ xuất của du khách vô tình vứt tàn thuốc vào lớp thực bì dày thì nguy cơ cháy rất lớn. Vì vậy, tại khu vực này, chúng tôi thường xuyên bố trí từ 5 nhân viên bảo vệ trở lên thay nhau trực 24/24 giờ để tổ chức tuần tra, bảo vệ, nhắc nhở du khách không vứt tàn thuốc vào rừng và tuyên truyền, vận động người dân đốt, dọn xử lý rẫy phải tổ chức người canh gác cẩn trọng, không để cháy lan vào rừng, nhằm bảo vệ an toàn cho những cánh rừng.
|
Mùa khô, vất vả nhất là những người trực tiếp bảo vệ rừng. Họ phải sống xa gia đình, bám rừng, để bảo vệ những cánh rừng. Với anh Lê Viết Đông (54 tuổi, cán bộ bảo vệ rừng Lâm trường Sa Loong), năm nay anh đã có thâm niên hơn 20 năm làm công tác bảo vệ rừng nên anh thấu hiểu sự vất vả ấy. Anh Đông hiện đang được giao quản lý bảo vệ 1.000ha rừng tại Tiểu khu 168 ở khu vực ngã ba biên. Dù vất vả, nhưng hơn 20 năm qua, anh luôn gắn bó với rừng, thường xuyên ăn ngủ trong rừng để gìn giữ màu xanh cho rừng.
Theo anh Đông, năm 2023 mùa mưa ít, lại dừng sớm, cộng với thời tiết khô hanh, nắng nóng lại kéo dài mấy tháng qua khiến cây rừng thiếu nước khô héo, cỏ cây chết làm lớp thực bì dưới tán rừng dày thêm, khiến nguy cơ cháy rừng càng cao. Vì vậy, suốt những tháng mùa khô, ngoài việc thay nhau trực, ăn ngủ tại rừng, anh Đông cùng với cán bộ xã, thôn thường xuyên đến tận thôn làng, đến từng hộ dân để tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong công tác phòng chống cháy rừng; đồng thời, hướng dẫn người dân cách đốt dọn rẫy bảo đảm an toàn, không để lây lan vào rừng.
Anh Đông chia sẻ: Trong công tác bảo vệ rừng thì mùa khô là mùa vất vả nhất. Bởi mùa này, chúng tôi vừa phải thường xuyên đi tuần rừng để phát hiện ngăn chặn đối tượng phá rừng, vừa phải thay nhau túc trực 24/24 giờ tại rừng để canh gác, triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng. Vất vả và gian khó lắm, nhưng vì yêu rừng, yêu nghề nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho những cánh rừng được an toàn.
Cũng như anh Đông, anh Lê Văn Thế- Lâm trường Sa Loong (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi) cũng đã có thâm niên công tác trong ngành 15 năm nay. Suốt 15 năm qua, vào mùa khô, anh và các đồng nghiệp luôn phải căng mình bám sát ăn ngủ tại rừng, tổ chức đi tuần rừng để thực hiện công tác phòng chống cháy rừng. Vì vậy, những năm qua, những cánh rừng của đơn vị anh được giao quản lý luôn được bảo vệ an toàn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả suốt những tháng mùa khô, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ những người làm công tác bảo vệ rừng ở Ngọc Hồi đã và đang quên mình, vượt qua khó khăn, vất vả để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng nơi ngã ba biên.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng được trồng theo Dự án huyện năm 2022 tại Lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 167, xã Đăk Nông nhưng đã được phát hiện và dập tắt kịp thời nên không gây ảnh hưởng đến rừng.
Phúc Nguyên