Xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành: Thực tế nhiều, xử lý ít
Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều xe không đảm bảo điều kiện lưu hành đang lưu thông ở khắp các địa bàn, nhưng việc xử lý tình trạng này lại không được bao nhiêu. Cơ quan chức năng cho rằng công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh, qua kiểm tra, làm việc với các địa phương, hiện toàn tỉnh hiện có 3.401 phương tiện các loại (2.819 xe mô tô, gắn máy; 582 xe ô tô, máy kéo) không đảm bảo điều kiện lưu hành như xe độ chế, quá hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng... Trong đó, nhiều nhất là huyện Ngọc Hồi hơn 1.200 phương tiện, Tu Mơ Rông hơn 600 phương tiện, huyện Sa Thầy hơn 570 phương tiện, Đăk Glei gần 500 phương tiện, thành phố Kon Tum gần 300 phương tiện.
Theo quy định, những phương tiện trên sẽ không được phép lưu hành. Tuy nhiên, tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực khai thác lâm sản, khoáng sản…, các loại phương tiện trên vẫn “nhởn nhơ” ngang dọc trên đường. Trong đó, nổi lên tình trạng sử dụng loại phương tiện này để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...
Nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông và Công an các huyện, thành phố mở đợt cao điểm tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
|
Sau hơn 3 tháng triển khai kế hoạch cao điểm, Công an các huyện, thành phố đã tổ chức 133 đợt tuyên truyền với 24.953 lượt người tham gia; phát 950 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức cho 158 cơ sở sửa chữa xe ô tô, mô tô và 103 chủ phương tiện viết cam kết không độ chế các phương tiện đưa vào lưu hành không đảm bảo điều kiện quy định.
Song song với đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh còn phối hợp cùng Công an các huyện, thành phố tổ chức tuần tra tại các địa bàn có nhiều phương tiện độ chế, địa bàn vùng sâu, vùng xa để xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành tham gia giao thông trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện, lập biên bản, tạm giữ, tịch thu khoảng 500 phương tiện xe không đảm bảo lưu hành tham gia giao thông. Tuy nhiên, so với số phương tiện thực tế hiện có thì việc phát hiện, xử lý loại xe nói trên còn quá ít.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thượng tá Hoàng Văn Yến - Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh cho biết: Theo báo cáo của Công an các huyện thì việc khó xử lý phương tiện không đủ điều kiện lưu hành là do các phương tiện tham gia giao thông vi phạm đa số tập trung ở khu vực nông thôn, thường được người dân sử dụng để phục vụ sản xuất và vận chuyển sản phẩm nông lâm nghiệp (chở cà phê, lúa, mì..); người sử dụng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, hoạt động trong đường làng, ngõ xóm, đường vào nương rẫy rất khó phát hiện. Ngoài ra, người dân thường né tránh cơ quan chức năng kiểm tra, khi lực lượng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ thì chủ phương tiện đưa các phương tiện cất giấu...
Trước thực tế trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn thực hiện đúng quy định pháp luật giao thông đường bộ; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở các khu vực đường liên thôn, liên xã, khu vực nông thôn để phát hiện và xử lý triệt để đối với các loại phương tiện là xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe ô tô, mô tô độ chế tham gia giao thông hoặc dùng để vận chuyển lâm sản trái phép, qua đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông từ các phương tiện này gây ra.
Văn Phương