Xã Kroong: Dân thông - Đường thoáng
Từng là “điểm nóng” về lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, thật bất ngờ khi xã Kroong được UBND thành phố Kon Tum biểu dương khi trả lại sự thông thoáng cho Tỉnh lộ 675 trong vòng nửa năm. Điều gì đã làm nên sự thay đổi ấy...?
“Sá chi lợi ích cá nhân”
Nếu như không có cán bộ xã Lê Duy Hưng dẫn đường, hẳn rằng tôi sẽ không nhận ra được ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Non (74 tuổi, ở thôn 2, xã Kroong). Bởi, trong trí nhớ của mình, tôi vẫn hình dung đến cái cổng sắt với 2 trụ bê tông to đẹp, bức tường rào dài ngoằng chạy theo mép đường lộ. Cách đây mấy năm, tôi đã từng vào nhà ông để tìm hiểu và viết bài về những tồn tại “hậu đền bù thủy điện Ya Ly”.
Còn bây giờ, không còn trụ cổng đẹp đẽ nữa, cũng không còn bức tường rào dài ngoằng che chắn hết tầm nhìn, tất cả đều thông thoáng. Từ đường vào nhà là một khoảng sân rộng, có mấy cây mật gấu mọc thưa trước nhà. Thoáng vô cùng.
Bỏ dở việc chăm sóc chậu cảnh, chủ nhà lúi húi pha trà mời khách. “Chú Non là người đầu tiên ở thôn 2 tự giác đập bỏ vật kiến trúc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, cũng là một trong những gia đình có thiệt hại nhiều nhất đấy anh” - Hưng giới thiệu.
Ông Non thủng thẳng kể chuyện với chất giọng Quảng Ngãi đặc ri: Hồi nào giờ, làm nhà cho mình, cho con, đều bám mặt đường cả, bán quán lại càng phải bám mặt đường. Có thấy ai nhắc nhở chi, cũng chẳng có ai chỉ cho mình hành lang an toàn đường bộ là bao nhiêu, mốc chỉ giới ở chỗ nào..., nên cứ lấn ra, miễn không vào mặt đường là được.
|
“Cuối năm 2016, xã vận động tự tháo dỡ cổng, tường rào, trả lại sự thông thoáng cho tuyến Tỉnh lộ 675. Tôi có nghe bà con kêu ca, “đồng tiền liền khúc ruột”, mỗi đoạn tường rào, quán nước, mái vòm hay trụ cổng đều được làm nên từ mồ hôi, công sức cả, sao lúc làm không ngăn, bây giờ kêu đập?” - ông Non kể.
Tôi bàn với vợ, hay là mình làm gương, đập trước đi. Bà ấy ngần ngừ, nhà bán cà phê, không bám mặt đường thì ảnh hưởng đến mần ăn. Nhưng tôi nói mình lớn tuổi rồi, cán bộ xã cũng là con cháu mình, để nói đi nói lại, xấu mặt lắm. Bà ấy gật đầu, rứa là tôi kêu con cháu, hò nhau đập cổng, đập tường rào. Cán bộ xã không cần đến nhà lần thứ 2.
Vợ ông ngồi bên lắc đầu: Tưởng lui ít, ai ngờ lui liền một hơi 15-16m. Hôm đó, ổng kêu con cầm thước đo, lùi 15m, sau đó lùi thêm 1m nữa. Tôi hỏi để làm chi, ông ấy nói để làm cái mái che, khỏi dính vô hành lang an toàn của đường.
Thong thả nhấp ngụm nước trà, ông Non cười: Đó, bây chừ thoáng rứa đó, đảm bảo an toàn giao thông nữa. Bà con nhìn vô, nhiều người làm theo. Vì cái lợi chung, sá chi lợi ích cá nhân mình, phải không chú!
|
“Cán bộ làm trước để dân theo”
Lê Duy Hưng dẫn tôi đi dọc theo Tỉnh lộ 675 để “hình dung ra sự thông thoáng của đường bây giờ”. Là cán bộ địa chính, phụ trách lĩnh vực giao thông thủy lợi của xã, Hưng không mất nhiều thời gian để nhớ và kể vanh vách từng trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn Tỉnh lộ 675 ở 3 thôn Trung Nghĩa Đông, Trung Nghĩa Tây, thôn 2.
Cuối năm 2016, em làm công tác thống kê mà giật mình, chỉ trên đoạn đường ba bốn cây số mà đã có tới 179 trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Trong đó, lấn chiếm trước năm 2013 có 132 trường hợp, lấn chiếm sau năm 2013 có 47 trường hợp. Đại đa số là xây cổng, hàng rào, quán xá, mái vòm - Hưng kể.
Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thành Đức xác nhận, do có một thời gian dài, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ bị buông lỏng nên việc vi phạm diễn ra phổ biến. Chẳng thế mà mỗi khi đi ngang qua xã Kroong, cánh lái xe luôn phập phồng lo ngại bởi cổng nhà, tường rào, mái vòm ép sát con đường. Ai biết trước lúc nào sẽ có một xe đạp, xe máy từ sau những bức tường rào ấy phóng vụt ra.
Nhưng chỉ sau 8 tháng “bám từng nhà, gõ từng cửa”, kể từ tháng 1/2017 đến nay, xã đã vận động được 104 trường hợp tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, không có thêm vi phạm mới nào- Hưng phấn khởi khoe.
Để đạt được kết quả đáng biểu dương ấy, UBND xã Kroong đã có những giải pháp linh hoạt, mềm dẻo nhưng không kém phần quyết liệt. Với phương châm “dân thông thì đường sẽ thoáng”, cuối năm 2016, Ban vận động cấp xã, Tổ vận động cấp thôn được thành lập. Thành viên Ban vận động, Tổ vận động được giao nhiệm vụ cụ thể, phụ trách những hộ, nhóm hộ cụ thể để tránh tình trạng xuê xoa, cả nể.
Bên cạnh đó, xã chủ trương cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước, vận động người nhà chấp hành, để người dân làm theo, nếu không gương mẫu sẽ bị phê bình, tính vào thi đua cuối năm. Ngay như Chủ tịch Đức cũng có anh em xây dựng công trình vi phạm. Anh kêu tháo dỡ ngay, vì “mình làm cán bộ xã, nói người nhà không được, thì ra ngoài nói ai nghe”.
Cũng theo Chủ tịch Đức, có nhiều trường hợp vi phạm “nhìn nhau”, coi thử “chú này, bác kia có làm không rồi mình mới làm”. Vì vậy, trong quá trình vận động bà con những người đi đầu nêu gương như ông Nguyễn Non đáng quý vô cùng. Ví dụ trường hợp ông Lý Thanh Thìn ở đối diện nhà ông Non, khi thấy ông Non đập cổng, tường rào, ông cũng kêu thợ đến đập bức tường tiệm sửa xe lấn hành lang đường bộ.
Từ nay đến cuối năm, xã Kroong phấn đấu vận động 75 trường hợp còn lại tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời quyết không để xảy ra vi phạm mới. Điều làm những người có trách nhiệm lo nhất là một vài trường hợp cán bộ hưu trí, đảng viên chưa chấp nhận tháo dỡ công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ với lý do công trình làm trước năm 2013, trong khi chủ trương của tỉnh chỉ xử lý công trình xây dựng sau năm 2013, hoặc đòi đền bù rồi mới tháo dỡ.
Việc các trường hợp này không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm đã có tác động tiêu cực đến một số trường hợp khác. Tuy nhiên, xã vẫn chủ trương kiên trì vận động, thuyết phục, nếu vẫn không chịu tháo dỡ sẽ báo cáo thành phố, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng tôi hy vọng rằng, sẽ không phải áp dụng biện pháp này- Chủ tịch Nguyễn Thành Đức chia sẻ.
Thành Hưng