Vỉa hè lại thất thủ?
Là câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi đi qua đường Bùi Thị Xuân (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) vào sáng thứ 7 vừa qua.
1. Tôi vẫn nhớ rất rõ khí thế hừng hực của đợt ra quân ngày 20/3. Hôm ấy, một lực lượng hùng hậu, gồm cán bộ UBND phường; công an, tự vệ phường; quản lý đô thị.., rầm rộ xuất trận cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè trên 2 tuyến đường Bùi Thị Xuân và Nguyễn Huệ (đoạn đi qua địa bàn phường Quyết Thắng).
Các lực lượng vừa nhắc nhở người dân di chuyển đồ đạc, vừa sẵn sàng cưỡng chế tháo dỡ một số công trình lấn chiếm. Tất cả cho thấy quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của chính quyền địa phương. Kết quả là tuyến phố thông thoáng hơn, nề nếp hơn.
Nhưng hôm nay, sau 5 tháng, con đường chạy qua trụ sở UBND phường Quyết Thắng lại trở nên lộn xộn như trước đây chưa hề có đợt ra quân nào. Khoảng trống ít ỏi trên vỉa hè mà các lực lượng chức năng đã rát cổ bỏng họng để “giành lại” ấy, lại bị chủ nhà giành lại, cách này hay cách khác.
|
Sáng sớm, trước những quán ăn sáng, xe máy vẫn xếp dãy dài trên vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường. Cửa hàng bán đồ biển lại trưng trên vỉa hè những xô, những chậu. Mấy cửa hàng bán quần áo lại giăng hàng hóa kín lối đi. Trước UBND phường, một chiếc xe tải đậu chình ình, choán hết vỉa hè... Cả buổi sáng, không thấy bóng dáng nhân viên trật tự nào xuất hiện.
Tôi thấy một người đàn ông đang đốt tiền vàng. Chắc là nhà có giỗ chạp. Theo tín ngưỡng, vàng mã phải được hóa chính diện cửa nhà thì hồn những người đã khuất của gia đình mới nhận được, không bị “sai lệch”. Vàng mã cháy ngùn ngụt, tàn lửa và tro bay tứ tung. Có 2 bà cháu đi bộ ngang qua ngôi nhà này phải bước xuống lòng đường, đứa bé nhìn lửa cháy vẻ sợ hãi.
Những tuyến phố như Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu... càng lộn xộn hơn, nhất là sau giờ hành chính. Lúc ấy, vỉa hè lại nguyên xi như cũ. Buôn bán tung tăng, giăng mắc từ vỉa hè xuống tận lòng đường. Trên những vỉa hè ấy, vạch sơn vàng mà thành phố kẻ ra, đoạn còn, đoạn mất; nhiều nơi chỉ vừa bằng tấm đan mương thoát nước, thế là người đi bộ lại đi xuống lòng đường.
Suốt nhiều năm qua, có bà nội trợ nào thường đi chợ tạm Võ Lâm (đường Trần Phú) mà không nhớ cảnh “rượt đuổi” ở đây. Vào một thời điểm bất kỳ trong ngày, chiếc xe của lực lượng trật tự đô thị phường ập đến, thế là người bán hàng hối hả thu dọn hàng để chạy. Trong khi nhân viên trật tự đô thị chụp lấy thúng hàng, quẳng lên thùng xe, thì khổ chủ xông tới, miệng xin xỏ, nhưng tay giằng co “tang vật”.
Cũng là dọn dẹp vỉa hè, chỉ có điều, bây giờ làm quy mô hơn, quyết liệt hơn, còn dứt điểm được hay không thì cứ nhìn thực tế sau 5 tháng. Có lẽ chúng ta phải chấp nhận đáp số chung: vỉa hè vẫn thất thủ.
2.Hẹn một bữa cà phê sáng với Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum- Nguyễn Xuân Ninh cũng khó, bởi anh bận suốt. Là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch “giải cứu vỉa hè”, anh đang phải gánh chịu áp lực nặng nề. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi với không ít gia đình, mưu sinh trên vỉa hè chính là nguồn sống của họ, bây giờ dẹp đi, có khác gì đập nồi cơm nhà người ta.
Nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm. Dù trong thâm tâm, Phó Chủ tịch Ninh từng nghĩ, nếu chỉ dừng lại ở đuổi bắt, vỉa hè sẽ trở thành một “chiến địa” của trò cút bắt dai dẳng, mệt mỏi giữa chính quyền và những người dân đang phải mưu sinh bị mất đi sinh kế.
Vì thế, mới đây, chính quyền thành phố cũng có một hành động được người dân đánh giá cao, đó là tạm thời cho phép các hộ gia đình sinh sống, làm ăn dọc các tuyến phố được lắp mái che di động. Yêu cầu bắt buộc là phải tuân thủ quy định thống nhất về màu sắc, kích cỡ, độ che phủ... để đảm bảo mĩ quan đô thị.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chủ trương rà soát, thống kê các tuyến đường đủ điều kiện, để báo cáo UBND tỉnh xin phê duyệt danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông, từ đó có cơ sở để giải quyết nơi buôn bán cho những gia đình có nhu cầu thực sự. Tiếc là đến nay vẫn chưa làm được - anh cho biết.
Tuy nhiên, từng đó thay đổi không làm nên hiệu quả của chiến dịch “dọn dẹp” vỉa hè mà chính quyền thành phố đang theo đuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đuổi bắt, ra quân theo đợt, để rồi hết chiến dịch đâu lại vào đó, thì chính quyền thành phố cần có một chương trình hành động dài hơi, huy động được sự tham gia của tổ dân phố và từng hộ dân.
Cách đây chưa lâu, tôi có đi Hội An thăm người bạn. Trong khi chờ bạn đến đón, tôi ngồi uống nước ở một quán vỉa hè, dưới một gốc cây to. Theo thói quen, tôi nhấc ghế ra mép vỉa hè ngồi ngắm người xe qua lại, chị bán hàng kiên quyết yêu cầu “ngồi vô trong đi em”. Rồi chị chỉ cho tôi thấy một vạch sơn đỏ trên vỉa hè. “Đó là ranh giới, ngoài vạch là vỉa hè của người đi bộ. Hàng chục năm ni rồi, thành quen, ai lấn vạch sơn sẽ thấy chướng mắt” - chị chủ quán nói.
Để có được kết quả ấy, Hội An rà soát toàn bộ cư dân sống dọc vỉa hè để sắp xếp hợp lý hợp tình. Các điểm bán hàng rong được quy hoạch để người buôn gánh bán bưng vẫn có thể bán hàng kiếm sống, nhưng phải trong vạch đỏ. Mỗi hộ chịu trách nhiệm quản lý vỉa hè trước cửa nhà, ai sai phạt thật nặng, phạt nghiêm khắc. Rõ ràng, minh bạch, hợp lý, không tác động đến sinh kế nên thói quen lấn chiếm vỉa hè dần bị triệt tiêu.
Chắc rằng sẽ có ai đó nói, Hội An không phải là Kon Tum, và dĩ nhiên, Kon Tum không hề giống Hội An, nhưng thiết nghĩ, cách làm của Hội An rất đáng được học hỏi, bởi không làm như vậy thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ dọn dẹp được vỉa hè đô thị.
Vỉa hè chỉ gọn gàng, quy củ khi nó được quản lý khoa học và phải hợp lý, hợp tình!
Thành Hưng