Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế TNGT
Đó là một trong những nội dung đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT, các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ TNGT, làm chết 61 người và bị thương 58 người; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 27 vụ (tăng 50%), tăng 12 người (tăng 24,48%), tăng 18 người (tăng 45%). Có 6 địa phương tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023 là huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum.
Nguyên nhân là do ý thức chấp hành quy định về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông kém, việc chấp hành quy định chỉ mang tính đối phó. TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan hoặc do việc vi phạm các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông.
Tại Hội nghị, các huyện, thành phố và thành viên Ban ATGT tỉnh thảo luận phân tích nguyên nhân, chỉ ra những tồn tại hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm kiếm chế TNGT trên địa bàn trong thời gian tới.
|
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị chức năng, các huyện, thành phố trong công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua, góp phần gìn giữ TTATGT.
Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên những hạn chế, bất cập, dẫn đến TNGT trên địa bàn vẫn gia tăng.
Để kiềm chế TNGT, phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn; chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền đến từng hộ dân, người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các địa phương; đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Yêu cầu Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tập trung tại các địa bàn trọng điểm, khu vực thường xuyên xảy ra TNGT như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ: 24, 40B, 40, 14C, các đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông liên thôn; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT, tập trung xử lý lỗi như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn, vượt xe trái quy định; vi phạm về quá tải trọng, cơi nới thành thùng xe…
Đối với các huyện, thành phố, đồng chí Phó Chủ tịch UIBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về bảo đảm TTATGT; đồng thời, tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, từng lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT… nhằm góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Phúc Nguyên