Tập trung khắc phục sạt lở và đứt đường ở Kon Plông
Khoảng hơn một tháng nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có mưa liên tục, khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nặng, thậm chí đứt đường, giao thông tê liệt…
Nặng nhất là ở địa bàn xã Ngọc Tem- nơi con đường Trường Sơn Đông đi qua. Do mới được xây dựng nên con đường đã không chịu nổi sự khắc nghiệt của thiên tai. Mưa kéo dài nên tình trạng sạt lở cả ta luy dương lẫn ta luy âm liên tục xuất hiện trên dọc tuyến đường. Cứ hôm nay đơn vị quản lý đường huy động máy móc thông được điểm này, thì hôm sau lại phát sinh điểm khác. Thậm chí, tại một vị trí, hôm nay xử lý xong thì ngày mai lại sạt lở và ách tắc tại vị trí đó. Có nơi sạt lở đã làm đứt luôn cả nền đường.
Sáng 20/12, vượt cả trăm ki lô mét chúng tôi có mặt ở vùng Trường Sơn Đông, trời vẫn mưa phùn không dứt. Càng đi sâu vào trong thì càng mù mịt, cả người lẫn xe như chui vào khối sương mù dày đặc khiến tầm nhìn phía trước chỉ khoảng hơn chục mét. Mưa thì vẫn rả rích.
Dọc đường Đông Trường Sơn đoạn từ xã Hiếu (hướng giáp với huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đi vào đến xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông), chúng tôi chứng kiến hàng chục điểm sạt lở phía ta luy dương và sụt lở ở ta luy âm. Đất, đá từ đồi núi cao hàng chục mét đổ tràn ra mặt đường. Nhiều nơi, nước từ trên núi chảy xuống đường thành dòng thác xối xả, gây thêm sạt lở trầm trọng. Cũng có đoạn, lúc vào thì được, nhưng khi quay ra thì đất đá tràn đầy mặt đường.
Đến cầu Đinh Màu, đơn vị chức năng đã cho cắm biến, rào chắn không cho người và phương tiện qua lại. Chúng tôi nhờ một công nhân chở bằng xe máy xuống địa điểm đứt đường tại km202+150. Tại đây, con đường đã đứt, toàn bộ mặt đường đã bị sụt lở dài khoảng 30m, khoét sâu vào ta luy dương hơn 5m và tạo hàm ếch rỗng dưới nền đường xi măng cả chục mét.
|
Khi chúng tôi đang loay hoay quan sát, tìm chỗ để chụp ảnh, anh Nguyễn Hoàng Mộng - cán bộ của Chi cục quản lý đường bộ III.4 (Cục quản lý đường bộ III) phụ trách trên tuyến đường này liền hô: Nhà báo đừng có đi ra nữa, bên dưới tấm bê tông hở hàm ếch hết rồi, coi chừng sập ngay đó. Chỉ cần đụng nhẹ vào sẽ sụp xuống ngay.
Tiếng hô của anh Mộng làm chúng tôi “lạnh gáy” liền lùi lại. Lúc này anh Mộng cho biết: Mới ngày hôm qua, một cán bộ kỹ thuật đơn vị đứng trên mô đá chụp hình cảnh đứt đường, chụp xong vừa bước vào thì mô đá đó sạt ngay xuống.
Cũng theo lời kể của anh Mộng (người đã túc trực ở đây cả tháng trên tuyến đường), cứ mỗi lần sạt lở, đất đá rơi xuống hố sâu hun hút phía ta luy âm từ 60-70m, âm thanh tạo ra như tiếng bom nổ. Gần một tháng nay, đường cứ ách tắc liên tục. Nhiều hôm đang khai thông đường điểm này thì điểm phía sau lưng sạt lở.
"Hôm 15/12, chúng tôi khắc phục xong, vừa thông đường thì đến 16/12 lại ách tắc trở lại và đến sáng 19/12 thì đường bị đứt gãy, tắc hẳn, tất cả người và phương tiện không thể qua lại trên tuyến đường được” - anh Mộng nói.
Vì tình trạng đứt đường và liên tục sạt lở nên 5 xe máy đào, xúc lật nằm ở phía trong đoạn đứt đường không ra được phía ngoài. Đứt đường Trường Sơn Đông đã làm cho hàng nghìn hộ dân ở Ngọc Tem vô cùng khó khăn khi đi ra trung tâm huyện Kon Plông.
|
Ông Nguyễn Minh Cường- Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết: Khi đường Trường Sơn Đông tắc, chưa đứt đường thì chúng tôi và bà con đi xe máy theo con đường qua dốc Ngọc Lu cũ. Nhưng đến nay, dốc Ngọc Lu cũ cũng bị sạt một điểm đứt toàn bộ mặt đường và 3 điểm sạt lở lớn phía ta luy âm vào nửa nền đường nên không thể đi xe máy được mà chỉ còn cách lội bộ.
“Giờ việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, nhất là vận chuyển nhu yếu phẩm từ huyện vào xã phải tăng bo, vác bộ qua đoạn đứt. Các phương tiện đi vào xã buộc phải vòng hàng trăm ki lô mét phía huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi lên. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm khắc phục để phục vụ đi lại của bà con” - ông Cường cho biết thêm.
Ông Lê Minh Tuân- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 cho biết: Ngày 19/12, Cục Quản lý đường bộ III đã gửi công văn hỏa tốc đến UBND tỉnh Kon Tum, các đơn vị chức năng thông báo về tình trạng sạt lở, đứt đường trên đường Trường Sơn Đông, đề nghị tỉnh, huyện thông báo việc cấm các phương tiện cơ giới không lưu thông trên tuyến đường biết để khắc phục.
Theo ông Tuân, hiện đơn vị đang phối triển khai biện pháp khắc phục, tập trung hốt những điểm sạt lở sớm thông đường. Riêng tại vị trí đứt đường, trước mắt để thông tạm, đơn vị sẽ triển khai giải pháp đào sâu vào phía ta luy dương.
“Chúng tôi sẽ cố gắng nhưng do thời tiết vẫn mưa nên việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, có nhanh cũng phải mất khoảng 20-30 ngày mới có thể thông đường được”- ông Tuân giải thích.
Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, huy động máy móc, nhanh chóng khắc phục tạm thời cho xe máy đi lại qua dốc Ngọc Lu trong 3-4 ngày tới.
Đỡ hơn đường Trường Sơn Đông, nhưng Quốc lộ 24 qua địa bàn huyện Kon Plông cũng có 2 điểm sạt ta luy dương tại km72+400 và km73+200; 1 điểm sụt lún ta luy âm kéo theo 1/2 mặt đường tại km76+945 bị lún; 2 điểm tại km90+350 đến km90+430 nền, mặt đường bị bể gãy và tụt xuống từ 20cm-30cm so với mặt đường cũ, có nguy cơ đứt đường nhưng chưa gây ách tắc.
Sở Giao thông vận tải đã đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các đơn vị quản lý triển khai các biện pháp khắc phục, đồng thời huy động máy móc, nhân lực để dọn mặt đường và tiến hành cắm cọc, giăng dây cảnh báo tại những vị trí sạt lở, phân công người trực hướng dẫn đảm bảo giao thông tại điểm sụt lún nền mặt đường…
Ngày 20/12, chúng tôi đi thực tế trên con đường này, đơn vị quản lý đường là Công ty CP Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum đã tiến hành hốt sạch các điểm sạt lở ta luy dương. Các điểm sạt lở ta luy âm đã được giăng dây, cắm biển cảnh báo. Riêng tại km90+350 đến km90+430, đơn vị quản lý khắc phục bằng cách lấp rãnh dọc, bù phụ cấp phối đá dăm mặt đường để đảm bảo giao thông.
Tuy nhiên, đây mới là biện pháp tạm thời để đảm bảo giao thông, còn về lâu dài cần xử lý triệt để, bởi theo quan sát của chúng tôi, nguyên một đoạn đường dài khoảng 100m đã bị kéo gãy, lún so với mặt đường cũ khoảng 30cm. Nếu có mưa kéo dài thì nguy cơ đứt luôn nguyên khối nền và mặt đường là rất lớn.
|
Ngoài ra, tại Tỉnh lộ 676, xuất hiện nhiều điểm sạt lở ta luy dương từ km0 đến km41+900, đặc biệt điểm sạt lở taluy dương tại km38+800 gây tắc đường cũng đã được khai thông. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, có một điểm tại vị trí km8+100 (gần UBND xã Măng Cành) mặt đường bê tông đã bị nước xói phía dưới đường (có cống thoát nước) làm mặt đường lún thấp hơn so với mặt đường cũ khoảng 30cm và có nguy cơ sụp đứt. Vì vậy, đơn vị chức năng cũng cần có giải pháp khắc phục ngay.
Hy vọng với sự nỗ lực của ngành chức năng, tình trạng sạt lở trên một số tuyến đường ở huyện Kon Plông sẽ sớm được khắc phục, thông xe, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.
Văn Phương