Tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động, tải trọng của xe máy cày, máy kéo, xe tải trên địa bàn tỉnh
Ngày 21/10, Ban An toàn giao thông tỉnh (ATGT) có văn bản số 203-BATGT/VP gửi Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện, thành phố Kon Tum đề nghị tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động, tải trọng của xe máy cày, máy kéo, xe tải trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban ATGT tỉnh, qua theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tình trạng xe máy cày, xe máy kéo, xe ô tải nhỏ chở nông sản, hàng hóa, vật liệu xây dựng... trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã và các tuyến đường tự mở của bà con nông dân để vào rẫy gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến các loại xe nói trên trong thời gian tới, đặc biệt là cao điểm vụ mùa thu hoạch, sản xuất, chế biến mía đường, nông sản năm 2024 - 2025, Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến xe máy cày, máy kéo, xe ô tải nhỏ; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tải trọng xe, các hành vi vi phạm về tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, xe quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông.
Đề nghị Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố kiểm soát tải trọng xe tại ngay các bến, bãi, điểm tập kết, bốc xếp hàng hóa của các đơn vị kinh doanh vận tải; đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường huyện, đường liên thôn, liên xã.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến việc điều khiển xe máy cày, máy kéo, xe tải nhỏ như: Không chở người trên thùng xe trái quy định, không để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy; không chở nông sản cồng kềnh; trang bị cho phương tiện các đầy đủ hệ thống chiếu sáng, dấu hiệu nhận biết phương tiện khi lưu thông trên đường. Vận động người dân tham gia các lớp đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe (A4, B1, B2, C...) phù hợp quy định. Ngoài ra, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến xe máy cày, máy kéo, xe ô tô tải, nhất là các hành vi chở người trên thùng xe trái quy định, để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy và thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tải trọng xe, xử lý các hành vi vi phạm về tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, xe quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông… qua đó, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Văn Phương