Tai nạn giảm nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng
Trong tháng cao điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc một cách tích cực nên đã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí so với tháng trước.
Tháng 9 hàng năm được chọn là Tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trong Tháng cao điểm về bảo đảm TTATGT, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị- xã hội, chính quyền địa phương các cấp đã đồng loạt triển khai các giải pháp về đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Ban ATGT các huyện, thành phố, các sở, ngành, tổ chức chính trị -xã hội (như Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh), các cơ quan truyền thông (như Báo Kon Tum, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh) đã tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, các giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT của các đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền theo chủ đề của năm là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến ATGT trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; tuyên truyền nội dung Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
|
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đã góp phần tích cực trong sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn đã được hạn chế; không có các vấn đề nổi cộm trong TTATGT, không có tình trạng đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ…
Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng, lực lượng Công an các cấp đã chú trọng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với xe ô tô chở khách chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định; xe tải chở hàng quá tải, quá khổ; xe mô tô, xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; lạng lách, đánh võng, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, lấn làn, vượt đèn đỏ tại các khu vực đô thị, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết: Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Phòng còn chủ động phối hợp tổ chức với các cơ quan chức năng rà soát, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về TNGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh; các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông để đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai xử lý nhằm hạn chế TNGT. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp cảnh báo về ATGT tại các tuyến quốc lộ trọng điểm và trên các cung đèo trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 9, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.132 trường hợp vi phạm quy định về TTATGT (so với thời gian trước liền kề tăng 497 trường hợp); tạm giữ 909 phương tiện và 1.159 giấy tờ các loại; phạt cảnh cáo 65 trường hợp; tước GPLX có thời hạn 248 trường hợp. Trong đó, đã phát hiện và xử phạt 517 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy (tăng 241 trường hợp so với tháng trước liền kề). Tổng số tiền xử phạt hành chính trong tháng là gần 2,5 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
|
Nhờ sự quyết liệt của lực lượng chức năng và sự vào cuộc cả các huyện, thành phố, tình hình TTATGT có nhiều tín hiệu tích cực. TNGT giảm cả 3 tiêu chí; cụ thể, trong tháng 9, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNGT giao thông, làm 4 người chết, 8 người bị thương; so với tháng 8/2024, giảm 3 vụ, giảm 6 người chết, giảm 3 người bị thương. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Ông Phan Mười- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Tháng ATGT, thời gian tới, các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là tuyên truyền các quy định nồng độ cồn, quy định về tốc độ, hậu quả của các vụ TNGT khi vi phạm tốc độ, tuyên truyền khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe”; tăng thời lượng phát sóng, tin, bài trong các chuyên mục ATGT để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lái xe khi tham gia giao thông. Tổ chức tuyên truyền nội dung Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tập trung vào các lỗi vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, sử dụng chất ma túy; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, đặc biệt đối với trẻ em; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chở hành khách quá số người quy định, chở hàng hóa quá tải trọng; dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường. Qua đó góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Hà Nam