Sau 2 năm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ: Người dân đã nâng cao ý thức chấp hành
Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 21/01/2015 của UBND tỉnh về việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, tình trạng vi phạm đã giảm rõ rệt và điều đáng mừng là nhận thức của nhân dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ…
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Những năm trước đây, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ diễn biến phức tạp, tăng nhanh với những vi phạm phổ biến như lấn chiếm xây dựng các công trình nhà ở, lều quán, hàng rào… Đơn cử như năm 2013, lực lượng chức năng phát hiện 422 trường hợp vi phạm; năm 2014 phát hiện hơn 260 trường hợp.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2015, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 20/1/2015 và Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 21/1/2015 để triển khai lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể hóa chỉ đạo trên, Sở Giao thông vận tải đã thường xuyên chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thành phố để bàn và thống nhất tăng cường quản lý tốt hành lang an toàn đường bộ, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm lực lượng phối hợp gồm Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường và chính quyền cấp huyện, xã để xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
|
Song song với đó, Sở Giao thông vận tải xây dựng Kế hoạch số 54/KH-SGTVT ngày 10/2/2015 phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ năm 2013, 2014 gửi UBND các huyện, thành phố và UBND 48 xã thực hiện.
Sở đã giao Thanh tra Sở cùng đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở các xã, phường, thành lập Đoàn công tác xuống tận địa bàn thôn, làng, vào từng hộ dân tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên 4 tuyến quốc lộ (14C, 24, 40, 40B) và 10 tuyến đường tỉnh; vận động các đối tượng vi phạm là cán bộ địa phương, đảng viên tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trước để làm gương. Những hộ cố tình vi phạm lập biên bản vi phạm hành chính gửi UBND cấp xã đề nghị xử lý, cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.
Vì vậy, số lượng người dân vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đã giảm so với những năm trước. Minh chứng là năm 2015, toàn tỉnh phát hiện 226 trường hợp vi phạm và năm 2016 chỉ còn 194 trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Với quan điểm mưa dầm thấm lâu, trong quá trình đi làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn động viên anh em, khi gặp những trường hợp lấn chiếm phải mềm dẻo, kiên trì thuyết phục để họ hiểu tự giác tháo dỡ, người dân biết mình làm vì trách nhiệm, vì cái chung thì người vi phạm sẽ dần hiểu và ủng hộ...
Từ năm 2013 đến nay, lực lượng thanh tra và chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân vi phạm tự giác tháo dỡ được gần 700/1.104 trường hợp vi phạm và hàng trăm trường hợp ký cam kết tháo dỡ.
Điển hình đi đầu trong công tác vận động tuyên truyền và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ là huyện Đăk Tô tháo dỡ 36/38 hộ vi phạm, Kon Rẫy tự tháo dỡ 206/220 trường hợp vi phạm, huyện Sa Thầy vận động tháo dỡ 228/270 trường hợp vi phạm...
Cương quyết trong xử lý
Đối với những trường hợp vi phạm cố tình không tự tháo dỡ, lực lượng Thanh tra Giao thông đã lập biên bản vi phạm, cùng phối hợp với chính quyền kiên quyết tổ chức cưỡng chế bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Khi có đề nghị của UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, chúng tôi tích cực phối hợp, cử lực lượng và phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cưỡng chế. Đặc biệt, chúng tôi còn huy động cả cán bộ, công nhân, xe máy, thiết bị của các đơn vị quản lý đường bộ cùng chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế đối với những hộ cố tình không tự tháo dỡ.
Điều này, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều lần. Đơn cử như gần đây nhất, dịp trước Tết Nguyên đán, tôi chứng kiến sự cương quyết của chính quyền địa phương và lực lượng Thanh tra Giao thông trong việc tổ chức cưỡng chế những trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ tại xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy).
Tại đây, dù đã được thông báo nhiều lần nhưng một số hộ dân vẫn không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khi lực lượng đến cưỡng chế thì vẫn cố tình chống đối, thậm chí còn chửi, lăng mạ cán bộ xã, lực lượng thanh tra... Dù vậy, với sự cương quyết, lực lượng thanh tra, chính quyền xã đã tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Đến nay, lực lượng Thanh tra Giao thông đã tham gia phối hợp với chính quyền các xã tiến hành cưỡng chế gần trăm trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ở các xã Kon Đào (huyện Đăk Tô), Đăk Blà (thành phố Kon Tum) và Sa Nhơn, Sa Sơn, Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).
Cũng chính từ sự kiên trì vận động và cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ của lực lượng thanh tra giao thông và chính quyền địa phương, nên nhiều người dân đã có sự chuyển biến về nhận thức, tình trạng vi phạm ngày càng giảm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phúc Nguyên