Sẵn sàng cứu hộ trên đèo Lò Xo
Túc trực 24/24h mỗi ngày, những chiến sĩ Cảnh sát Giao thông trên đỉnh đèo Lò Xo không chỉ làm nhiệm vụ gìn giữ, nhắc nhở lái xe cẩn trọng, mà họ còn tham gia tích cực trong việc cứu người khi có tai nạn xảy ra…
Đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đăk Glei) có chiều dài gần 30km, độ dốc lớn, dài, quanh co, nhiều đoạn bị che khuất tầm nhìn…, rất dễ xảy ra tai nạn nếu người điều khiển phương tiện chủ quan, không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ. Đoạn đường này đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người.
Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thể quên được vụ tai nạn thảm khốc trên khu vực đèo Lò Xo làm 31 cựu binh ở Hà Nội về thăm chiến trường xưa tử nạn. Và liên tiếp sau đó, hàng năm đều có cả chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như lật xe, xe tông nhau, xe lao xuống vực… khiến nhiều người chết. Đoạn đường này là nỗi ám ảnh không chỉ những cánh lái xe mà còn là nỗi lo của bất kỳ ai khi tham gia giao thông trên đoạn đường này.
|
Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) đã cử một tổ phụ trách trên cung đường này thường xuyên túc trực 24/24 giờ vừa làm công tác tuần tra, kiểm soát, vừa nhắc nhở lái xe cẩn trọng. Vì vậy, vài năm trở lại đây, tai nạn giao thông trên đoạn đường này đã giảm hẳn.
Từ khi có lực lượng Cảnh sát Giao thông túc trực trên đèo Lò Xo, có hàng chục vụ xe ô tô gặp tai nạn đã được lực lượng này phát hiện sớm và tổ chức cứu người kịp thời. Anh Đinh Văn Hoàng (thôn Măng Khênh (xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) - người đã tham gia hầu hết các vụ cứu người mắc kẹt trong các vụ tai nạn trên đèo Lò Xo suốt hơn 7 năm qua cho biết: Suốt hơn 7 năm qua, nhờ có anh em Cảnh sát Giao thông túc trực trên đèo, thường xuyên tuần tra nên nhiều vụ xe gặp tai nạn, đã được phát hiện và cứu kịp thời. Nhờ đó, nhiều người đã được cứu sống.
Vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra khuya 21/2, tại km 1419 đường Hồ Chí Minh (đèo Lò Xo), xe công ten nơ biển kiểm soát 64C-048.96 chạy hướng Bắc- Nam do lái xe Nguyễn Văn Sang (SN 1971, ở tỉnh Đồng Tháp) điều khiển trên xe có phụ xe là Phạm Hữu Phước (SN 1987, ở Đồng Tháp) đang xuống dốc, đến đoạn đường trên đã bất ngờ bị lật nghiêng làm lái xe và phụ xe bị thương (gãy tay, chân) kẹt trong cabin.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông thuộc Trạm Cảnh sát Giao thông Ngọc Hồi (Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh) có mặt kịp thời huy động người dân tại địa bàn tiến hành các biện pháp cứu hộ và sau gần 1 tiếng đồng hồ cưa hộ lan, phá cửa xe đã cứu kịp thời lái xe và phụ xe đưa đi cấp cứu.
“Các trường hợp được cứu hộ nhanh, kịp thời là nhờ bộ thiết bị cứu hộ được Phòng trang bị cho Trạm quản lý và sử dụng. Trước đây thường dùng máy cưa sắt đơn giản nên việc cưa chậm, còn với thiết bị mới này nên việc cưa sắt rất nhanh, nếu không cứu kịp thời nạn nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng” – Trung tá Nguyễn Ích Hòa - Trạm trưởng Trạm Cảnh sát Giao thông Ngọc Hồi cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh cho biết: Thiết bị cứu hộ này, Phòng được Cục Cảnh sát Giao thông trang bị. Chúng tôi nhận thấy đèo Lò Xo là đoạn đường nguy hiểm, hay xảy ra tai nạn giao thông nên đã chuyển thiết bị này cho tổ túc trực trên đèo Lò Xo để phục vụ cứu hộ.
“Ngoài thiết bị cưa cứu hộ nói trên, Phòng cũng được trang bị một chiếc đèn lớn và cũng đã giao cho tổ trên đèo Lò Xo quản lý, sử dụng phục vụ cứu hộ các vụ tai nạn ban đêm, đặc biệt sẽ rất hữu ích khi soi rọi xuống vực sâu. Và mới đây, cũng nhờ có chiếc đèn và thiết bị cứu hộ này nên anh em trên đèo Lò Xo đã cứu kịp thời lái, phụ xe công ten nơ bị lật kẹt trong xe hồi cuối tháng 2 vừa qua”- đại tá Toàn chia sẻ.
Việc cứu hộ trên đỉnh đèo Lò Xo đã được lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh âm thầm thực hiện nhiều năm nay. Giờ đây, ngoài nhiệm vụ gìn giữ an toàn giao thông trên đèo Lò Xo, thì việc được trang bị thiết bị cứu hộ hiện đại, những chiến sĩ Cảnh sát Giao thông luôn sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tai nạn trên cung đường quanh năm mù sương này.
Văn Phương