Phức tạp an toàn giao thông vùng nông thôn
Qua phân tích của cơ quan chức năng, phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều do chủ quan của người tham gia giao thông, mà đặc biệt là người điều khiển phương tiện và nguyên nhân sâu xa có yếu tố liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chạy quá tốc độ quy định, không làm chủ tay lái…
Tai nạn giao thông không chỉ là nỗi bất hạnh của nạn nhân và gia đình, mà còn để lại gánh nặng cho xã hội. Ấy vậy mà tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông, nhất là ở vùng nông thôn vẫn còn khá phổ biến…
Tai nạn gia tăng
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông, làm 65 người chết và 61 người bị thương.
Đáng lưu ý là diễn biến tai nạn giao thông còn phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng tại các tuyến đường giao thông nông thôn và liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ số vụ, số người chết và bị thương xảy ra tại vùng nông thôn chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như ngay trong quý III/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 22 người chết và 26 người bị thương; trong đó, có 8 vụ liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, làm 6 người chết, 3 người bị thương.
Tai nạn giao thông tại đường liên thôn, liên xã trong quý III đã gia tăng về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 7 vụ, 9 người chết và 25 người bị thương).
Địa bàn đang có chiều hướng phức tạp về tai nạn giao thông vùng nông thôn là ở thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Đăk Tô…
Theo đánh giá, phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Cụ thể là người điều khiển phương tiện giao thông khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì họ thường vi phạm. Đáng nói, lỗi vi phạm đó lại là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông như phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say rượu...
Báo động về ý thức chấp hành
Đi thực tế tại các vùng nông thôn trên tất cả các địa bàn huyện, thành phố của tỉnh, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh người dân vi phạm. Phổ biến biến nhất là lỗi điều khiển phương tiện tham gia giao thông chở 3 - 4 người, không đội mũ bảo hiểm.
Không chỉ vậy, chúng tôi nhận thấy còn có khá nhiều trường hợp trẻ em điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đầu không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông...
Cũng tại địa bàn này, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe không biển số, không giấy tờ, người điều khiển phương tiện không bằng lái, không đội mũ bảo hiểm và những chiếc xe độ chế vô tư chạy làm náo loạn cả thôn làng.
Điều đáng bàn là tình trạng thanh niên sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện phóng bạt mạng, nẹt pô, hú ga ầm ầm... khá phổ biến.
Với ý thức chấp hành, bảo đảm an toàn giao thông như vậy nên khi xảy ra va chạm giao thông dễ dẫn đến bị thương nặng và tử vong.
|
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân của thực trạng trên một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, chưa thực sự có chiều sâu, chưa phù hợp với các đối tượng, đặc biệt là đối với thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đây là hạn chế, tồn tại chung của các ngành, các cấp, đoàn thể với vai trò tham mưu tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của các cơ quan chức năng tuy đã được tăng cường, triển khai nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn chủ yếu tập trung tại các khu đô thị và tuyến quốc lộ, còn các tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã, liên thôn gần như bỏ ngỏ, thiếu hẳn sự kiểm soát... Chính vì vậy, nguy cơ mất an toàn giao thông ở nông thôn luôn tiềm ẩn.
|
Để hạn chế tình trạng vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông ở vùng nông thôn, cơ quan chức năng cần chú trọng hơn đến việc tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường ở vùng nông thôn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông... nhằm kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bài, ảnh: Văn Phương