Không làm chủ tốc độ - Ẩn họa tai nạn giao thông
Đa số các vụ tai nạn đều liên quan đến việc không làm chủ tốc độ và đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đó là nhận định của lực lượng thực thi công vụ trong quá trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nếu tốc độ tăng 5% thì tai nạn giao thông sẽ tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Đây là đánh giá của cơ quan chức năng khi phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông.
Không nói đâu xa, vụ tai nạn thảm khốc mới đây nhất vào rạng sáng 7/5 tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) là một ví dụ điển hình có liên quan đến tốc độ. Vụ việc đã làm 13 người chết và hơn 30 người bị thương.
Nguyên nhân cụ thể đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng cũng có thể khẳng định rằng việc lái xe tải chạy với vận tốc trên 100 km/h cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc đó. Nhiều người cho rằng dù xe tải có chạy ngược đường (là vi phạm), nhưng nếu chạy với tốc độ thấp, làm chủ được tốc độ thì việc xử lý cũng dễ dàng hơn và lẽ đương nhiên cũng sẽ hạn chế được thương vong khi 2 xe đấu đầu…
Điều đó cho thấy, việc Liên hợp quốc phát động “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ” lần thứ 4 (từ 8-14/5/2017) với chủ đề về tốc độ càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua đó, để mọi người hiểu được vai trò và tầm quan trọng của việc làm chủ tốc độ, đi đúng tốc độ cho phép thì sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.
Hưởng ứng tuần lễ này, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng tại địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố phát động và triển khai rộng rãi, đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, nhân dân gương mẫu chấp hành quy định về tốc độ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, yêu cầu đơn vị chức năng mở đợt cao điểm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tốc độ; chú trọng vào các địa bàn, tuyến đường trọng điểm về an toàn giao thông và điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tốc độ, kiên quyết đề nghị truy tố trước pháp luật các vụ tai nạn giao thông có yếu tố cấu thành tội phạm và xử lý trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc để xảy ra tai nạn giao thông… góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh nhận định, có đến trên 80% các vụ tai nạn nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, điều đó không chỉ giúp cho người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ và việc làm chủ tốc độ cũng sẽ hạn chế được tai nạn nghiêm trọng.
Chính vì lẽ đó, xử lý vi phạm tốc độ là một trong những chuyên đề không chỉ được Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) thực hiện trong Tuần lễ An toàn đường bộ, mà còn thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.
Đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh cho biết: Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tốc độ, nên thực hiện chỉ đạo của Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, chúng tôi đang huy động lực lượng tập trung mạnh vào xử lý vi phạm về tốc độ đối với tất cả các xe có động cơ vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Để việc xử lý đạt hiệu quả, chúng tôi cử các tổ tuần tra tăng cường xử lý cả thời gian buổi trưa, tại các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn và đồng thời không kiểm tra cố định ở một địa điểm mà thường xuyên chuyển địa điểm để hạn chế sự liên lạc giữa các lái xe. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử các tổ đi khắp các địa phương, phối hợp với Công an các huyện, thành phố để xử lý những người vi phạm nhằm hạn chế tai nạn giao thông do lỗi vi phạm tốc độ gây ra, nhằm góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua thực tế đi xe, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp vi phạm về tốc độ quy định. Người tham gia giao thông chỉ chấp hành đúng quy định về tốc độ khi đến điểm có lực lượng Cảnh sát Giao thông, sau khi qua trạm, người điều khiển lại tăng tốc để bù lại thời gian ở những đoạn đường bị khống chế về tốc độ. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất là đối với xe khách và xe tải chạy vào ban đêm.
Theo đại tá Lê Đình Toàn, việc xử lý về vi phạm tốc độ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với xe ô tô. Bởi để tránh bị xử phạt và qua mặt Cảnh sát Giao thông, các lái xe ô tô thường báo cho nhau bằng tín hiệu riêng những địa điểm mà Cảnh sát Giao thông đo tốc độ nên cũng rất khó phát hiện để xử lý, khi qua trạm họ lại vi phạm tốc độ.
Để kiềm chế tai nạn giao thông do phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, điều quan trọng là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt phải làm chủ tốc độ kết hợp với việc chú ý quan sát để xử lý kịp thời tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Phúc Nguyên