Khi phụ nữ ngồi sau vô-lăng
Hiện nay, khi tham gia giao thông trên đường chúng ta không khó bắt gặp phụ nữ ngồi sau vô-lăng. Hầu hết mọi phụ nữ đều cẩn trọng khi điều khiển xe đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và mọi người; tuy nhiên, không ít trường hợp gây nên những tình huống “dở khóc, dở cười”...
Phái yếu học lái xe...
Cũng như nhiều tỉnh thành khác, ở Kon Tum, đường phố như chật hẹp hơn bởi ô tô tham gia lưu thông ngày càng nhiều. Đời sống nâng cao, trong khi giá xe ô tô ngày một rẻ, nhiều hãng xe đổ xô vào Việt Nam, việc sở hữu một chiếc “xế hộp” giờ đây không còn khó như trước. Chính vì thế, những năm gần đây, nhu cầu học lái xe ngày càng tăng không chỉ riêng với nam giới mà chị em phụ nữ đăng ký học cũng khá đông.
|
So với cánh đàn ông, chị em phụ nữ học lái xe khá vất vả. Họ bị chi phối bởi nhiều thứ như con cái, chợ búa, công việc cơ quan… chính vì thế mà khi học lái họ ít tập trung và cũng có ít thời gian luyện tập hơn. Muốn lái tốt chị em phải tranh thủ quỹ thời gian nghỉ ngơi để luyện tập.
Cái khó nhất với chị em có lẽ là vấn đề tâm lý, thường hay lúng túng, mất bình tĩnh, xử lý tình huống chậm... Trong quá trình học, chị em gặp nhiều khó khăn khi điều khiển vô-lăng, chân côn, chân ga; hay nhầm lẫn chân ga với chân thắng…
Anh Hợi, một giáo viên có thâm niên gần 20 năm tại Trung tâm Đào tạo Công nhân kỹ thuật - vận tải Kon Tum cho biết: Nghề lái xe từ trước tới giờ gần như chỉ dành cho nam, nhưng hiện nay, hầu hết các loại xe đời mới đều có tính năng hiện đại như số tự động, trợ lực tay lái, camera lùi… chị em rất dễ sử dụng. Tuy quỹ thời gian không nhiều, xử lý tình huống không nhanh nhạy bằng nam nhưng bù lại, chị em rất chịu khó, kiên nhẫn học hỏi, đặc biệt họ nhớ rất kỹ những thao tác cơ bản, nên kết quả thi thường cao hơn so với nam.
Nói về chuyện phụ nữ học lái xe, chị Hoàng Thị B đang theo học khóa 119 tại Trung tâm Đào tạo Công nhân kỹ thuật - vận tải Kon Tum cho biết: Nhà tôi mua xe đã lâu nhưng do công việc bận bịu, với lại đã có ông xã lái rồi nên tôi chưa có ý định học. Gần đây thấy chị em trong cơ quan học lái khá đông, lý do chính họ đưa ra là để bớt say xe và chủ động hơn trong công việc của mình. Thấy hợp lý nên tôi đã đăng ký học và rất quyết tâm, cố gắng tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để tập luyện. Nhiều hôm, 5h sáng hai vợ chồng đã đưa xe ra bãi tập luyện hơn 1 tiếng đồng hồ mới về chuẩn bị đi làm.
Chị Nguyễn Thị Thu H cũng đang tham gia học tại Trung tâm. Chị chia sẻ: Tôi học lái vì muốn mình chủ động hơn trong công việc hằng ngày, không bị phụ thuộc vào thời gian đưa đón. Thời gian qua, trên mạng xã hội có nhiều clip về trường hợp chị em lái xe gây ra tai nạn liên hoàn, nên tôi tâm niệm đã học thì phải học bài bản, tới nơi tới chốn, nếu cảm thấy chưa vững thì thuê xe của trường và nhờ thầy kèm thêm…
Và những tình huống “dở khóc, dở cười”
Hầu như mọi phụ nữ khi học lái xe đều xác định quyết tâm học đến nơi đến chốn như chị B, chị H... Tuy nhiên, không ít trường hợp bằng cách nào đó, dù tay lái còn rất non nhưng chị em vẫn có bằng lái, vô tư điều khiển xe tham gia giao thông và đã gây nên những tình huống “dở khóc, dở cười” như: không điều khiển được xe vào đúng chỗ, lùi xe quá đà, phanh gấp, thấy chướng ngại vật sợ quá không dám chạy tiếp dẫn đến kẹt xe hàng loạt hay các vụ tai nạn liên hoàn... Vì thế mới có câu đùa “đừng bán xăng cho phụ nữ”...
|
Mới đây, khi gặp một chiếc xe Mazda CX-3 màu trắng khi qua ngã tư Bà Triệu và Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum) cho đèn xi-nhan một đằng lại rẽ một nẻo, lập tức cậu con trai tôi buột miệng đi kiểu này chỉ có phụ nữ lái thôi, rồi giục tôi vượt lên xem và quả đúng như vậy.
Cu cậu được thể còn bồi thêm, ở trường con bây giờ nhiều cô đi dạy bằng ô tô lắm, nhưng nhìn cách đỗ xe là biết của thầy hay cô rồi. Nếu là xe của thầy đỗ thì vuông góc, thẳng hàng còn của cô đỗ thì xiên xẹo kể cả bánh xe cô cũng không chỉnh lại cho thẳng.
Anh hàng xóm gần nhà tôi than phiền: Sao dạo này ra đường gặp phụ nữ lái xe nhiều thế! Mình đang vội chở con đi học cho đúng giờ, đứng chờ đèn đỏ sau một chiếc xe ô tô, đến khi chuyển đèn xanh 5 giây xe đó vẫn không nhúc nhích, mình bấm còi cũng không nghe, hóa ra cô nàng đang “buôn” điện thoại nên không nhìn, không nghe thấy gì bên ngoài cả. Nhiều chị em chạy xe như rùa bò nhưng lại cứ chình ình ở giữa đường chính, không vào làn nào nên xe phía sau không thể vượt lên được…
Để tránh những tình huống nêu trên, chị em phụ nữ khi lái xe ô tô tham gia giao thông cần tập trung điều khiển vô-lăng; chỉ cầm lái khi tâm lý thoải mái, bình tĩnh; làm chủ tốc độ để có thể dễ dàng xử lý mọi tình huống phát sinh... Một chút lơ đễnh có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và mọi người cùng đang tham gia giao thông.
Gia Thịnh