Giảm thiểu tai nạn giao thông: Hãy nêu cao ý thức khi tham gia giao thông
Tai nạn giao thông đang trở thành một thảm hoạ. Nó không chỉ gây ra hậu quả đau lòng, sự mất mát, đau thương cho gia đình người bị nạn và cho nạn nhân, mà còn để lại hậu quả khá nặng nề cho xã hội. Hàng ngày, trên cả nước vẫn có hàng chục người tử vong, bị thương do tai nạn giao thông…
Đã có bao nhiêu gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ, từ khá giả xuống nghèo đói; bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh cha mất con, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ phải rơi vào cảnh mồ côi… cũng bởi tai nạn giao thông.
Nhìn con số thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, trong 10 tháng của năm nay, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của trên 60 người và để lại thương tật suốt đời hàng chục người.
|
Hơn 60 người tử vong do tai nạn giao thông cũng đồng nghĩa với ngần ấy gia đình phải chịu nỗi đau mất mát người thân; hàng chục người bị thương do tai nạn giao thông không chỉ bản thân họ phải gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, mà ngay cả gia đình, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng, thậm chí rơi vào cảnh nghèo đói, con cái phải bỏ học…
Một anh bạn đồng nghiệp kể với tôi về người bạn của anh ấy (xin không nêu tên) bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não và hiện giờ như người “trên mây trên gió”, suốt ngày đi lang thang. Tài sản trong nhà lần lượt “đội nón ra đi”, anh từ người giàu có, sống sung túc giờ trở thành nghèo đói, tật nguyền. Chính tai nạn giao thông đã cướp của anh gần như tất cả.
Một câu chuyện khác bi thương hơn, đó là cách đây chưa lâu, hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, hai vợ chồng anh Trần Đình Tuyên và chị Dương Thị Hiền (ở xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei) chạy xe máy từ thành phố Kon Tum về huyện Đăk Glei va chạm với một chiếc xe tải chạy ngược chiều tại huyện Ngọc Hồi, vợ chồng anh đã ra đi vĩnh viễn, để lại 2 người con còn thơ dại bơ vơ trên cõi đời…
Nỗi đau xé lòng đó không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai trong lòng những đứa trẻ. Giờ đây, chúng phải sống trong cảnh mồ côi, phải tự thân vận động, lo toan cho cuộc sống của mình mà không có sự dìu dắt, chỉ bảo của cha mẹ như những đứa trẻ khác...
Điều đáng quan tâm là những trường hợp bị tai nạn giao thông đều tập trung mạnh ở độ tuổi từ 18- 50 tuổi, độ tuổi lao động chính trong xã hội và cũng là độ tuổi đẹp, sung sức nhất của đời người. Ấy vậy mà hàng năm vẫn có hàng chục người ra đi vĩnh viễn, hàng chục người khác mất sức lao động, thậm chí không thể lao động được cũng chỉ vì tai nạn giao thông.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn? Phân tích của ngành chức năng chỉ rõ: Do người điều khiển phương tiện phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ; điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia; thiếu chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định… Chung quy lại, tai nạn giao thông vẫn chủ yếu là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, chưa chấp hành đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ…
Vì vậy, để không còn những nỗi đau nối dài vì tai nạn giao thông, mỗi người dân, mỗi người tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức bằng chính hành động của mình khi tham gia giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Mỗi người hãy là một tuyên truyền viên để cùng nhau xây dựng một xã hội an toàn, góp phần hạn chế những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông gây ra…
Văn Phương