Dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24: Chưa làm xong đã… sạt lở
Dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố Kon Tum được đầu tư hơn 102 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, một hạng mục đường giao thông kết hợp kè có nguồn vốn 31,3 tỷ đồng chưa làm xong đã bị sạt lở nghiêm trọng, mái taluy và mặt đường hoàn thiện cấp phối nứt toác dài cả trăm mét, kéo theo hàng trăm tấm xi măng ốp gia cố... xuống vực sâu.
Kè chống sạt lở chưa làm xong đã… sạt lở
Năm 2009, Dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố Kon Tum đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 75,3 tỷ đồng. Đến năm 2011, Dự án tiếp tục có điều chỉnh lần 2 bổ sung thêm hạng mục đầu tư đường giao thông kết hợp kè với nguồn vốn 31,3 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí lên 102,01 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố Kon Tum).
|
UBND thành phố Kon Tum được giao làm chủ đầu tư dự án; các đơn vị tư vấn thiết kế dự án là Công ty TNHH Tư vấn - công trình Gia Hưng và thi công là Công ty CP Trường Long.
Ngày 3/8/2017, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Kon Tum có báo cáo số 103 về sự cố sạt lở mái ta luy và nền đường kết hợp kè (từ Km0+262,71 - Km0+350,03) với tổng chiều dài 100m và ngang 12m bị sụt, nứt toác, gây hư hỏng hệ thống thoát nước, tấm đan và cuốn trôi hàng trăm tấm xi măng ốp gia cố taluy. Nguyên nhân ban đầu xác định do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 7 và 8.
Ông Trịnh Công Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố cho biết, sau sự cố sạt lở ta luy và sụt nền đường dọc tuyến kè của dự án, đơn vị đều có báo cáo trình UBND thành phố Kon Tum với hướng tham mưu yêu cầu Công ty CP Trường Long là đơn vị thi công lắp rào chắn, dựng biển cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế người và phương tiện qua lại trong khu vực bị sạt lở. Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn công trình Gia Hưng kiểm tra, xác định nguyên nhân sạt lở; đề xuất phương án xử lý, khái toán chi phí khắc phục sạt lở trên để chủ đầu tư dự án xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Vào sáng 31/8, UBND thành phố Kon Tum (chủ đầu tư dự án) tiếp tục mời Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cùng đại diện các Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công tiếp tục tiến hành ra thực địa kiểm tra, xác minh hiện trạng có đánh giá mức độ thiệt hại; đồng thời đề xuất phương án khắc phục sạt lở mái ta luy và nền đường thuộc dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24 đoạn qua địa phương.
Kết quả đại diện các đơn vị tham gia kiểm tra thực tế hiện trường cũng có ý kiến thống nhất: Sự cố sạt lở đường giao thông kết hợp kè được đánh giá như báo cáo 103 của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Kon Tum, với nguyên nhân do 2 đợt mưa lớn kéo dài ngày 25-27/7 và 20-21/8. Đoàn kiểm tra chỉ thêm phần đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Trịnh Công Sơn nói: Từ năm 2011-2014, dự án thi công đã được bố trí 75,4 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; phần đối ứng còn lại của thành phố Kon Tum 26,6 tỷ đồng chưa có kế hoạch bố trí tiếp theo. Hiện tại, dự án vẫn còn dang dở, trong đó hạng mục chưa thi công xong là đường giao thông kết hợp kè xảy ra sự cố sạt lở trên. Hiện trường công trình có dấu hiệu mạch nước ngầm vẫn đang thoát âm ỉ dưới chân hệ thống taluy của kè, rất nguy hiểm, nguyên nhân phần lớn có thể do mưa kéo dài.
Sớm vào cuộc khắc phục
Trước sự cố đường giao thông kết hợp kè đang thi công đã có taluy bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm tấm xi măng ốp gia cố bị cuốn trôi gần 200m dưới vực sâu; nguy hiểm hơn, cách chừng 200m và trên độ cao 150m hướng song song dự án có trụ sở của các cơ quan hành chính địa phương: Viện kiểm sát nhân dân, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum và Trung tâm Văn hóa Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum nhưng trong biên bản kiểm tra thực tế của thành phố lại không đề cập đến sự cảnh báo, nhắc đến vấn đề cấp bách phải đảm bảo ảnh hưởng, nguy hại sụt lún, gây ra mất an toàn đến tính mạng và công trình kế cận xung quanh, nếu sự cố sạt lở trên không sớm xử lý dứt điểm.
Liên quan đến sự cố sạt lở này, phóng viên Báo Kon Tum đã liên hệ với cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng. Ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Đình Khiêm - Chi cục phó Chi cục quản lý chất lượng xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) là những người trực tiếp đi kiểm tra công trình trên, đều chung nhận định cá nhân: Một phần nguyên nhân sạt lở có thể do năm nay mưa nhiều, mạch nước ngầm ở tầng nông hạng mục đường kết hợp kè bị thẩm thấu xuống tầng dưới nền cơ yếu và phía dưới đấy là đất sét không thấm dày. Do đó, lượng lớn nước không thấm xuống được, khối lượng lớn đất bị bão hòa tạo thành cung trượt dẫn đến sự cố trên.
Trước đó năm 2011 và 2014, thời điểm thực hiện Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 và Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, cùng nhiều các quy định khác, đối với dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24, Sở Xây dựng chỉ tham gia góp ý thiết kế cơ sở tại Công văn 263 và 651 chuyển UBND thành phố Kon Tum nêu rõ: Dự án Kè chống sạt lở Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố Kon Tum cần tính toán kỹ thuật để lựa chọn phương án kết cấu xây dựng nền đường, mặt đường và tính toán lưu lượng nước thoát để chọn chi tiết diện tích cống thoát nước cho phù hợp. Đồng thời, điều chỉnh cao độ và hướng thoát nước công trình trên có hạng mục đường giao thông kết hợp kè về mặt kỹ thuật, do tuyến đường cơ bản bám theo địa hình tự nhiên, chênh cao giữa tuyến Quốc lộ 24 (đường Duy Tân) là khá lớn. Do vậy, UBND thành phố Kon Tum cần nghiên cứu thêm cao độ đỉnh đường dọc tuyến bảo đảm độ dốc dọc trong đô thị theo quy định và tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho tuyến đường và các công trình xây dựng khác dọc tuyến…
Cũng theo đơn vị chức năng, các nguyên nhân cụ thể cần phải tìm hiểu, xác định toàn bộ dự án từ thiết kế đến khâu thi công, giám sát, bởi hiện dự án chưa hoàn thành, chưa có hồ sơ hoàn công… nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Và trước sự cố đã xảy ra, ông Nguyễn Quang Hải đề nghị, các đơn vị liên quan đến dự án nên nhanh chóng triển khai khắc phục ngay việc sạt lở, nếu không sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho các công trình lân cận. Bởi qua đi kiểm tra thực tế, mạch nước ngầm cao, trong khi nền cơ yếu phía dưới là đất sét, tầng không thấm dày do đó nước không thấm xuống được, mà lại thoát nước ở tầng nông. Vì thế, sạt lở lớn tiếp tục sẽ xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Mai Trâm