Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn đường bộ: “Mưa dầm thấm lâu...”
Giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền là việc làm mà ngành chức năng tỉnh đang tích cực triển khai. Chính điều này đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ…
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của Sở Giao thông vận tải, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh cùng đơn vị quản lý đường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân không vi phạm và tự giác tháo dỡ công trình vi phạm với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Việc làm này tôi đã được chứng kiến nhiều lần khi cùng lực lượng Thanh tra Giao thông đến từng hộ dân vừa phát tờ rơi, làm công tác vận động tự tháo dỡ và không tái vi phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn- Chánh Thanh tra Giao thông Vận tải tỉnh cho biết: Để bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, cán bộ các xã trên địa bàn đến từng hộ dân để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Còn đối với những trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chúng tôi chỉ đạo và động viên anh em kiên trì đến từng nhà vận động. Một hai lần không được thì đến nhiều lần vận động, giải thích cho người dân hiểu. Chúng tôi cũng khuyên anh em đi làm công tác vận động làm bằng chính cái tâm, thực lòng vì cái chung thì ắt người dân sẽ hiểu. Còn đối với những trường hợp cố tình, chúng lập biên bản vi phạm, sau đó phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định…
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về hành lang an toàn đường bộ, Thanh tra Giao thông Vận tải tỉnh đã tự biên soạn 70 bộ tài liệu quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ chuyển cho các đơn vị quản lý đường để phô tô gửi cho UBND các xã, huyện có tỉnh lộ, quốc lộ đi qua và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền cho nhân dân biết tự giác chấp hành.
|
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở còn tổ chức phát 600 tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông, trong đó có hành lang an toàn đường bộ; phát 100 tờ rơi tuyên truyền về việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát 200 tờ rơi tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; 500 tờ rơi đến các xã và người dân tuyên truyền về an toàn giao thông vùng nông thôn, miền núi...
Chính sự kiên trì vận động mà đến nay toàn tỉnh đã tiến hành tháo dỡ được gần 800/1.187 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ (từ năm 2013 đến nay). Trong đó, qua tuyên truyền vận động người dân tự giác tháo dỡ được 718 trường hợp (chiếm 90,4%); cưỡng chế tháo dỡ 76 trường hợp (chiếm 9,6%).
Một số địa phương làm tốt công tác vận động tự tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ như huyện Sa Thầy (đã tháo dỡ 255/281 trường hợp, đạt 90,7%), Kon Rẫy (tháo dỡ 226/250 trường hợp, đạt 90,4%), Đăk Tô (tháo dỡ 39/43 trường hợp, đạt 90,7%), thành phố Kon Tum (tháo dỡ 112/188 trường hợp, đạt 60%), Ia H’Drai (tháo dỡ 27/33 trường hợp, đạt 82%)...
Ngoài các biện pháp trên, Thanh tra Giao thông vận tải tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ và ngăn chặn không để vi phạm phát sinh; đồng thời tiếp tục đến từng hộ dân chưa tự tháo dỡ công trình vi phạm để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ cho nhân dân hiểu, tự giác chấp hành, góp phần tạo hành lang thoáng cho các phương tiện tham gia giao thông được thuận tiện, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn...
Văn Phương