Báo động về tình trạng giới trẻ vi phạm trật tự an toàn giao thông
Thanh thiếu niên là lực lượng xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, thanh niên cũng chính là đối tượng vi phạm giao thông và gây tai nạn giao thông nhiều nhất…
Qua thống kê, phân tích các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy, lứa tuổi từ 27 trở xuống liên quan đến tai nạn giao thông chiếm cao nhất. Số người chết do tai nạn giao thông ở nhóm tuổi này chiếm đến 50% tổng số người chết và chiếm khoảng 50% số người bị thương vì tai nạn giao thông.
Minh chứng là từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 50 người chết và hơn 50 người bị thương do tai nạn giao thông; trong đó có hơn 20 người chết và gần 30 người bị thương có độ tuổi từ 27 trở xuống, chủ yếu là nam giới. Đây là vấn đề mà các cơ quan, các lực lượng chức năng cần lưu tâm để có các giải pháp về công tác tuyên truyền, chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông cho phù hợp và hiệu quả.
|
Không chỉ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên nhiều, mà tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của giới trẻ ngày càng báo động. Các lỗi vi phạm của giới trẻ thường là lỗi: điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, không giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, đặc biệt khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm… Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vào thời điểm buổi tối trên các tuyến đường không chỉ địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở các tuyến đường trung tâm thành phố Kon Tum.
Bản thân tôi và cũng không ít người dân khác cảm thấy “ớn” khi có việc phải đi ra đường buổi tối. Nhiều lần khi đang đi trên đường Trần Phú, nghe phía sau tiếng rú ga, tiếng nẹt pô mà thấy rùng mình. Có lần đang định tấp xe vào sát mép đường thì bất ngờ hai thanh niên trên chiếc xe máy lạng lách luồn vào phía trong sát mép lề đường rồi vượt qua. Tôi giật bắn người, tự nhủ: May mà mình không tấp xe nhanh vào lề, chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm huy động 4 lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Trật tự và Cảnh sát Hình sự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát ban đêm trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum để vừa trị “quái xế” vừa làm công tác phòng chống tội phạm. Nhờ vậy, tình hình thanh thiếu niên vi phạm cũng giảm đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông vào ban đêm vẫn còn khá nhiều. Trong số hàng chục nghìn trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông bị lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý từ đầu năm đến nay, có khoảng 80% là giới trẻ.
Để ngăn chặn những hành vi vi phạm trong khi tham gia giao thông của giới trẻ, cần có sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cũng như sự cương quyết trong xử lý của lực lượng chức năng. Đặc biệt, cần có biện pháp giáo dục ý thức chấp hành pháp luật một cách tự giác trong giới trẻ… Có như vậy, tai nạn giao thông mới giảm, người người khi tham gia giao thông mới yên tâm.
Phúc Nguyên