Viết cho những người đón Tết xa quê
Quê nhà có gì đâu một ngõ ngỏ, cái sân quen quen nơi mái nhà đổ bóng, cây bưởi, cây chanh, hàng cau, đàn gà, con mèo, con chó chạy ra đón ta về… thế mà yêu đến lạ thường, chỉ về nhà mới có Tết.
Người Việt rất lạ. Nhiều người có thể nói tiếng Anh như gió, thích mặc âu phục, thích dùng hàng hiệu, đi du lịch nước ngoài và thích tối giải mọi lễ nghi phiền phức… Nhưng, Tết đến mà phải xa quê lại thấy cay sè trong mắt. Cũng đúng thôi, Tết thao thiết lắm. Quê nhà có gì đâu một ngõ ngỏ, cái sân quen quen nơi mái nhà đổ bóng, cây bưởi, cây chanh, hàng cau, đàn gà, con mèo, con chó chạy ra đón ta về… thế mà yêu đến lạ thường, chỉ về nhà mới có Tết.
Thế nên, nhiều người đi làm xa đến mấy cũng kiếm cho được tấm vé tàu, xe, máy bay. Nếu không kiếm được thì nai nịt chằng buộc hết lên xe máy mà rong ruổi có khi cả mấy trăm cây số về ăn bữa cơm có bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt đông… với gia đình, họ hàng quây quần.
|
Tết đến, vẫn có người ở công trường, nhà xưởng đứng máy hàn, lái xe xúc, trực ca, ứng cứu tai nạn, sự cố… sự bình yên, ấm cúng nào của chúng ta cũng được đánh đổi bằng thiệt thòi của của những người như thế. Rít một hơi thuốc thơm thật dài, pha ấm trà đặc, nhấp ngụm cà phê đắng… để mạnh mẽ băng qua lằn ranh giới của sự chuyển giao cũ - mới của một năm. Người cứ bị hút vào việc, việc cứ quẩn lấy chân người bận bịu cả một đời. Nào có thời gian nghe một bài hát, xem một bộ phim, lắm khi có lời mời dự tiệc cưới bạn cũng phải gửi quà mừng, cuộc sống mưu sinh cực nhọc và gian khó. Ấy vậy mà khi chiếc kim giây vừa cán mốc cọc số 12, pháo hoa vút lên trời đêm, ai cũng ngước lên nhìn bầu trời để cảm nhận sự kì diệu của tạo hóa. Hình như thời gian còn đến từ chính sự rung cảm của chính tâm hồn mình chứ không vô cùng như trời đất.
Tôi là người chẳng có một chốn xưa để về. Suốt thời thơ trẻ theo bố mẹ nay đây, mai đó với những công trình. Nhìn những ngôi nhà mái ngói rêu phong, một bộ bàn ghế bóng nước thời gian, chứng kiến cảnh các đại gia đình quây quần ấm áp vừa thèm muốn vừa chạnh lòng. Người ta vẫn nói có an cư mới lạc nghiệp và có lẽ phải an cư mới cảm nhận được hồn vía của đất đai, mạch nguồn của quê hương qua từng cái Tết.
Lớn lên, cũng không ít lần đón Tết xa quê, những chiều ba mươi Tết cảm tưởng như mình đang lạc vào cõi hư vô dù chân vẫn bước trên phố quen. Những quán cà phê, tiệm ăn và cả căn phòng của mình đã bị phủ một thứ ánh sáng khác, bàng bạc nhớ mong. Nhưng rồi, khi thoát ra khỏi cảm giác ấy tôi chợt hiểu, Tết là thế đấy, không hiện hữu mà đinh ninh trong lòng như vầng trăng soi trước ngõ. Người xa quê nợ Tết nén hương dâng tổ tiên, nợ cha mẹ một lời chúc bình an, nợ dòng sông quê một lần thả chú cá chép vàng tung tăng hòa vào dòng nước…
Không được về nơi có ngôi nhà nhỏ, con ngõ quen, hẻm sâu hay đường làng cỏ xuân lên xanh… dù gì cũng là sự thiệt thòi, trống vắng. Biết mà không thể bởi đời người như đời sông mỗi khúc, mỗi đoạn lại có hình hài, dòng chảy khác nhau. Nhưng ngẫm ra, đó cũng là một cơ hội để ta kiểm nghiệm lại tình quê hương, nghĩa nặng gia đình. Vắng một cái Tết, thấy yêu thêm nhiều cái Tết, thấy trân quý hơn chiếc bánh chưng xanh gửi tình quê, nhớ hoa chanh hoa bưởi, nhớ những lời chúc tụng đầu năm và trong khói hương trầm mặc tưởng nhớ đến ông bà, những người đã khuất bóng mà công đức còn sâu nặng.
Tết này, ai không được về quê thì vẫn có một quê hương sâu nặng trong tâm hồn để mà hoài niệm, để mà nhớ thương.
Bùi Việt Phương