Đổi thay trên thôn làng vùng đồng bào DTTS
Từ chỗ còn nhiều khó khăn, các thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang từng ngày đổi mới, đời sống ngày càng được nâng cao. Những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng và quyết tâm của đồng bào các DTTS trong tỉnh.
Quyết sách vì nhân dân vùng khó
Tỉnh ta có 102 xã, phường, thị trấn, có 508 thôn, làng vùng đồng bào DTTS. Vào thời điểm năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 19/508 thôn được công nhận thôn nông thôn mới (NTM). Các thôn còn lại của tỉnh chỉ đạt khoảng 5 tiêu chí/thôn; thậm chí, cá biệt, có một số thôn chỉ đạt từ 2 - 3 tiêu chí. Khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các thôn trong vùng đồng bào DTTS. Một số xã đã đạt chuẩn NTM nhưng thôn, làng rất khó khăn về nhà ở và thu nhập; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; cảnh quan, môi trường nông thôn chưa được quan tâm. Các điểm dân cư chưa được quy hoạch bài bản, còn mang tính tự phát. Còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát, mức thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, tiềm năng và lợi thế của địa phương chưa được khai thác hiệu quả.
Sau nhiều lần đến với các thôn làng vùng sâu, vùng xa ấy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhận thấy thực tế trên và luôn canh cánh trong lòng để làm sao giúp đồng bào DTTS ở những thôn làng này vươn lên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn và thống nhất ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18/02/2022 về “tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”. Chỉ thị nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS. Mục tiêu, đến năm 2025 có ít nhất 50% số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS số đạt chuẩn thôn NTM. Trong đó, trước mắt chọn 95 thôn (làng) (1 thôn điểm cấp tỉnh, 10 thôn điểm cấp huyện và 84 thôn điểm cấp xã) để xây dựng đạt chuẩn thôn NTM điểm các cấp và nhân ra diện rộng. Đây là quyết sách thể hiện tinh thần trách nhiệm vì nhân dân vùng khó.
|
Có thể nói, Chỉ thị số 12-CT/TU ban hành được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao với kỳ vọng sẽ đưa công tác xây dựng NTM đi vào thực chất, mang lại khởi sắc thật sự cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Nêu cao trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ nên trong nhữmg lần được tháp tùng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về cơ sở, đến với các thôn làng vùng sâu, tôi được nghe nhiều lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở cán bộ các cấp cần nêu cao trách nhiệm vì nhân dân mà phục vụ. Cán bộ phải gần dân, sát dân, trăn trở trước cái nghèo, cái khổ của dân. Mới đây nhất, tại lễ đón nhận quyết định thôn Làng Mới (xã Mường Hoong) là thôn đạt chuẩn NTM cấp tỉnh đầu tiên của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng tiếp tục nhắc lại những điều đó.
Với mục tiêu từng bước thay đổi diện mạo ở các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên quá trình triển khai xây dựng thôn (làng) NTM vùng đồng bào DTTS theo Chỉ thị số 12-CT/TU luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân. Đặc biệt, để xây dựng thôn (làng) NTM vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đều tổ chức thực hiện điểm tại các thôn (làng) đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, làm thay đổi nhận thức của người dân trong xây dựng NTM. Các huyện, thành phố đã ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để hỗ trợ các thôn xây dựng đạt chuẩn các tiêu chí NTM, nâng cao đời sống người dân.
Ông A Nao - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kon Pring (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) chia sẻ: Chỉ thị số 12 rất hợp với lòng dân, đây là cơ sở để việc xây dựng NTM đi vào thực chất, góp phần giúp vùng đồng bào DTTS khởi sắc. Với vai trò của mình, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phải nỗ lực lao động sản xuất và sẵn sàng hiến đất, cây cối để làm đường giao thông nông thôn, cùng nhau xây dựng NTM.
Khởi sắc những thôn làng vùng sâu
Vào dịp cuối năm 2024, tôi lại có dịp tháp tùng Đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 12 trên địa bàn tỉnh. Qua số liệu báo cáo cũng như qua thực tế tại các thôn làng, tôi nhận thấy rất rõ sự thay đổi nhiều mặt ở những thôn làng vùng đồng bào DTTS nơi chúng tôi đến. Đến nay, toàn tỉnh đã có 63/95 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 66%), trong đó, có 50/95 thôn (làng) đã được công nhận đạt chuẩn thôn NTM (chiếm tỷ lệ 53%). Đây thực sự là tín hiệu mừng trong xây dựng NTM trên địa bàn.
Trở lại thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei), ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của diện mạo nông thôn nơi đây. Những con đường đã được bê tông hóa, những vạt hoa hai bên đường khoe sắc rực rỡ; những vườn rau quanh nhà xanh mơn mởn. Trên những sườn đồi là màu xanh của các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lúa nước.
|
Thôn Làng Mới tọa lạc ngay trung tâm xã Mường Hoong, có 151 hộ với 506 nhân khẩu, 96% dân số là đồng bào DTTS. Gặp chúng tôi ngay đầu làng, bà Y Bia-Bí thư Chi bô, Trưởng thôn Làng Mới liền khoe: Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành mà diện mạo của thôn và đời sống người dân trong thôn chuyển biến tích cực. Nhiều hộ gia đình đã có sự thay đổi trong phát triển kinh tế, từ chỗ trồng lúa 1 vụ nay đã chuyển sang trồng 2 vụ. Người dân thay đổi tư duy, tích cực đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây, cây ăn quả và cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh.
Thay đổi rõ nét nhất là đời sống người dân thôn Làng Mới ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,1 triệu đồng (năm 2021) lên 36,752 triệu đồng (năm 2024). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,7% (năm 2021) xuống còn 5% (năm 2024). Thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ vậy, nên từ chỗ cuối năm 2021, thôn mới đạt 3 tiêu chí thôn NTM thì đến nay đã đạt 10/10 tiêu chí và được công nhận là thôn NTM cấp tỉnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo bà Y Bia, người dân trong thôn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, tái canh cây cà phê xứ lạnh, xây dựng mô hình vườn nhà, cổng ngõ xanh - sạch - đẹp, trồng dược liệu để các địa phương khác nghiên cứu học tập, nhân rộng.
Tương tự, về với làng Kon Brăp Ju (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cũng là thôn đặc biệt khó khăn. Làng có 186 hộ, với 764 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Ba Na. Những năm qua, nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG, thôn Kon Brăp Ju được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối giữa các thôn, các xã, thị trấn trong huyện. Các tuyến đường liên thôn, đường nội thôn, ngõ xóm, đường vào khu sản xuất được bê tông hóa bảo đảm ô tô đi lại và vận chuyển hàng hóa góp phần thay đổi bộ mặt NTM.
|
Gặp chúng tôi ngay đầu làng, già A Ring Đeng vui vẻ chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận chung sức của nhân dân, công tác xây dựng NTM của làng đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng có sự thay đổi rõ rệt, các tuyến đường liên thôn, đường nội thôn được bê tông hóa; thôn không có nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 42 triệu đồng. Đời sống người dân được nâng cao mọi mặt, các bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy. Đến nay, thôn đã đạt 10/10 tiêu chí về xây dựng NTM, tăng 7 tiêu chí so với năm 2022 theo Bộ tiêu chí về “thôn (làng) NTM ở vùng đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025.
Những kết quả đạt được sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân vùng đồng bào DTTS. Đây là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 có ít nhất 50% số thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn NTM.
Sau gần 3 năm triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU, toàn tỉnh đã có 119/508 thôn (làng) cơ bản đạt chuẩn 10/10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 23,42%), trong đó, có 84 thôn (làng) đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Phúc Nguyên