Khoảng lặng trước Tết
Tiết trời năm nay kể cũng lạ, gần Tết rồi mà còn rét đến run người. Chẳng như mấy năm trước, chỉ rét lúc sớm mai hay đêm về, còn ban ngày nắng cứ một màu vàng ươm rải đều khắp nẻo. Mà chẳng biết là trời rét thật hay do tuổi già đang sầm sập kéo đến. Như chẳng thể tự tin vào cảm nhận của chính mình, tôi nhìn sang cu con cũng gần đến tuổi “bẻ gãy sừng trâu” dẫu đang chăm chú dán mắt vào chiếc ti vi nhưng cũng xuýt xoa, kéo chiếc mũ áo khoác trùm lên đầu mà thêm xác tín.
Mà rét thì rét thế thôi, tôi vẫn tranh thủ những ngày cuối tuần thu vén những rèm màn giặt giũ, phơi phóng cho thơm tho trước Tết. Có máy giặt hỗ trợ, trời rét thì rét thật nhưng nắng vẫn cứ mênh mông nên chẳng nhọc nhằn như những ngày thơ bé, khoác trên vai mấy chiếc chiếu, líu ríu theo chị, theo mẹ ra giếng làng mà phập phồng lo mưa, lo rét.
Vừa dọn dẹp tôi vừa lẩn thẩn ngẫm ngợi hết chuyện Tết xưa, lại đến chuyện Tết nay. Tôi giờ xa quê đã lâu, những cái Tết xưa dẫu được cất kĩ vào trong góc nhỏ mến thương của riêng mình, vậy mà chỉ cần chút bồi hồi, chút ngẫm ngợi, chút hương, chút gió, chút rét lại trở nên bâng khuâng, xao xuyến. Suy cho cùng, chẳng ai dám từ chối trưởng thành nhưng ước mơ được trở về tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo vẫn luôn thường trực, ước mơ được trở về những ngày Tết xưa vẫn luôn trở tới trở lui trong trái tim những người đã đi qua những tháng ngày trông ngóng Tết.
Như ngay giờ đây, dẫu còn trĩu nặng những lo toan, dẫu chẳng kịp ngưng tay với giặt giũ, dọn dẹp, tôi vẫn dành chút thời gian ngồi xuống bậc thềm nhà, rấm rứt nhớ những cái Tết của ngày chưa xưa lắm và lòng vẫn vẹn nguyên những háo hức, những mong chờ.
|
Trên bậc thềm nhà, tôi ngồi đong đếm những ngày Tết xưa tràn đầy thương nhớ. Cũng trong cái lành lạnh này, cũng trong buổi sáng hối hả của những ngày giáp Tết như thế này, cha tôi quét tước mạng nhện trần nhà, cắt tỉa lá hàng chè tàu cho thẳng, mẹ tôi bận bịu với mứt gừng, với bánh xoài, bánh tét. Cha mẹ tôi vừa làm vừa nói chuyện rôm rả, chuyện nhà, chuyện xóm, chuyện buồn, chuyện vui trong năm Thỉnh thoảng, mẹ tôi quay sang chỉ cách ngâm đỗ, ngâm nếp, cách xếp lá, cách làm nhân, cách gói bánh cho chị em tôi đang ngồi bên hóng hớt.
Tôi nhớ đến xóm cát tôi tuy nghèo nhưng luôn ân tình, thơm thảo. Thành nét đẹp nghĩa tình, Tết về, nhà nào có thức gì ngon đều mang biếu xóm làng cùng hưởng. Cha mẹ tôi đi làm đến tháng nhận lương, sống giữa xóm làm nông, Tết nào cũng được biếu vài cân nếp, vài mớ rau, con cá. Nhà tôi chẳng có gì, chỉ có ít dầu hỏa từ xí nghiệp cha tôi mang về, mẹ cẩn thận chia ra từng chai nhỏ biếu mấy nhà trong xóm thắp đèn ngày Tết. Chiều 30 Tết, tôi theo mẹ xách mấy chai dầu đi một vòng quanh xóm, rồi quay về dọn dẹp lại nhà cửa lần nữa, mọi chuyện phải đâu vào đấy, phải sạch từ trong nhà ra ngoài ngõ. Kiểu như vun đắp những mến thương, kiểu như nhen lên những khấp khởi, những hy vọng về một năm mới hanh thông, như ý.
Tết của tôi mấy mươi năm về trước là thế. Những hình ảnh ấy, những âm thanh ấy đến giờ vẫn như lẩn quất đâu đây. Trong cảnh sắc xuân, trong lan man suy tưởng, cảm giác đoàn viên Tết đến xuân về khiến cho những người con xa xứ như tôi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Là rưng rưng nhớ những dư vị của bao mùa Tết xưa. Là thương nhớ, là đợi chờ, là hy vọng Tết nay bao mới mẻ.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, Tết nay càng lúc càng no hơn, càng ấm hơn, mọi thứ bỗng trở nên đơn giản. Chẳng thịt mỡ với dưa hành. Giò chả ăn quanh năm nên Tết đến có phần dửng dưng. Con trẻ ít háo hức chờ mong manh áo mới, chúng chỉ mong sao được về quê đón Tết, được cùng ông bà làm mứt, đúc bánh, được ngồi nấu bánh chưng và nghe kể bao nhiêu là chuyện Tết xưa, Tết nay.
Mà ngẫm cho cùng, dù phong vị Tết nay không giống hẳn Tết xưa nhưng đại thể vẫn giữ nhiều nét đẹp cũ. Đấy, ngay từ chuyện giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ thơm tho để ước mong một năm mới khởi đầu tròn đầy, viên mãn. Đấy, ngay từ chuyện trả những mượn, những nợ mỗi khi mùa xuân đến như gửi gắm lại bao ân tình của năm cũ đã qua. Đấy, ngay từ chút quà sẻ chia ngày Tết, dẫu chỉ là nho nhỏ thôi, nhưng lắng lại bao nhiêu xuân, lắng lại bao nhiêu là thương yêu, thơm thảo.
NGUYÊN PHÚC