Về quê ăn Tết
Những ngày giáp Tết, tâm trạng của những người con xa quê càng háo hức, rộn ràng hơn, chỉ mong thời gian qua nhanh để được về quê sum vầy cùng gia đình, quây quần bên nồi bánh chưng và được tận hưởng không khí ấm áp của đêm giao thừa.
Sáng nay, đang loay hoay dắt xe đi làm, bỗng nghe tiếng của mẹ hồ hởi qua điện thoại: “Chừng nào các cháu nghỉ học, con đã chuẩn bị nghỉ Tết chưa...? Nhớ đặt vé xe sớm để hết vé nghen con”… Lòng tôi bỗng xốn xao lạ.
Tôi hiểu mẹ nhớ và mong các con, cháu nhiều lắm.
Đã thành thông lệ, mỗi năm, chị em chúng tôi phân công thay phiên nhau về quê ăn Tết với mẹ. Nói là phân công vậy nhưng gia đình nào có điều kiện thì hàng năm vẫn về đều.
Với tôi, Tết là điều gì đó rất thiêng liêng, mọi người thân trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau chờ đón giây phút giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cùng chúc nhau những câu chúc thật tốt đẹp. Và hơn thế nữa là được về bên mẹ, được thưởng thức những món ăn ngon của mẹ nấu.
Giáp Tết năm ngoái, 4 giờ sáng, gia đình tôi về tới quê. Trước đó, mẹ tôi đã thao thức cả đêm để chờ con, cháu về. Ngôi nhà vốn vắng lặng trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Mẹ vui nên cứ nói, cười suốt ngày.
Bên nồi bánh chưng, tiếng mẹ con, bà cháu râm ran, hàn huyên đủ điều, ngôi nhà trở nên ấm cúng lạ kỳ.
|
Trong tâm trạng của những người con xa quê, khi về, ai cũng mong muốn có quà mang về cho gia đình, biếu bà con họ hàng… thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ cũng như tình cảm với bà con xóm giềng… Vậy nên, chị em tôi cố gắng chọn mua những đặc sản của nơi mình sinh sống mang về, nào là bánh tráng, măng khô, chuối… Mặc dù vào những ngày giáp Tết, xe đi lại hơi khó khăn, nhưng tôi tự nhủ, chỉ cần mình cố gắng tí là được ấy mà.
Tôi nhớ có năm, chuối Tây Nguyên nhiều và đẹp tôi mang về cả buồng, về tới Huế mới thấy nó giá trị dường nào, mẹ tôi trầm trồ: “Chuối đẹp quá con hỉ, mẹ mới đi chợ sáng nay, thấy họ bán 200 ngàn một nải ấy, mà không đẹp như ri”. Theo phong tục ở quê tôi, mâm quả để thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết không nhất thiết phải là ngũ quả, nhưng không thể thiếu nải chuối, nên chuối đắt là vậy đó.
Rộn ràng nhất vẫn là những ngày sát Tết, phụ nữ thì lo gói ghém bánh trái, chăm chút làm các loại bánh mứt với tất cả sự đam mê, lòng thành kính để dâng cúng tổ tiên, đất trời, chiêu đãi khách khứa, bạn bè, trẻ con thì háo hức mong chờ đến Tết để được khoe quần áo mới.
Tôi thích được ăn Tết quê, vì vẫn còn lưu giữ một số phong tục truyền thống và cổ truyền nhất của dân tộc, rất đầm ấm và ý nghĩa. Vào ngày mùng một Tết, các cụ già thường dậy rất sớm, khăn áo chỉnh tề để sửa lễ cúng gia tiên, còn bọn trẻ ở quê thì được âu yếm bằng những câu nói dịu dàng nhất. Nhớ lúc nhỏ, mẹ hay dặn: Trong những ngày Tết các con phải thật vui vẻ, nói những câu nói hay nhất, không được nói những điều xui xẻo và đặc biệt là không được quét nhà vào ngày mùng Một. Vì quét nhà là xua đi may mắn đến với gia đình mình.
Theo phong tục thì ngày 30 Tết, mẹ tôi thường làm một mâm cơm cúng gọi là rước ông bà về nhà ăn Tết. Với đôi tay khéo léo và tài tình chế biến món ăn của người phụ nữ xứ Huế, mâm cơm cúng ông bà tổ tiên của mẹ rất cầu kỳ, thể hiện lòng thành kính với các bậc sinh thành. Hơn nữa đó cũng là truyền thống từ bao đời nay của gia đình tôi trong những ngày này.
Mẹ đã gần 80 tuổi rồi, mà mấy ngày Tết sáng nào mẹ cũng dậy thật sớm để nấu cơm cúng. Tôi không biết mẹ dậy từ lúc nào, chỉ khi cả nhà thức dậy đã thấy nhang trên bàn thờ khói bay nghi ngút, thơm nồng mùi trầm. Sáng mùng Một, mẹ mặc áo dài chỉnh tề để con cháu chúc Tết và không quên lì xì cho con cháu.
Về quê ăn Tết, tôi thích nhất nhìn những cây mai ba trồng ngày nào bung hoa khoe sắc thật rực rỡ thường nở đúng mỗi độ Tết đến xuân về. Nhìn cây mai ba trồng, nhớ biết bao những ngày ông còn sống, giáp Tết cứ bận rộn chăm chút cho vườn hoa.
Tôi nhớ có năm Tết đến, Huế lạnh lắm, mai nở không nổi, vậy là ba tôi lên phố ghé qua cửa hàng bán các loại hoa giả mua một túm hoa mai vải, về hì hục gắn vào cây mai kiểng trước nhà. Cả ngày trời hoàn tất tác phẩm của mình, nhìn y như thật, ba tôi tỏ vẻ phấn khởi và vui lắm, ông nói vui: Tết này mỗi nhà mình là có hoa mai nở.
Ngày mùng Một, các o tới nhà chúc Tết, ai cũng ngạc nhiên: “Ủa nhà cậu có mai nở đẹp hỉ”, ba tôi không nói chỉ tủm tỉm cười vui. Mà ba tôi mê chưng mai lắm, kiểu gì thì ngày Tết nhà phải có cành mai.
Giờ đây về quê ăn Tết, tôi chỉ thích ngồi trước khoảnh sân nhỏ, ngắm những cây cảnh của ba mà nghe cảm giác ấm áp như len lỏi đâu đó quanh mình. Bất chợt nhớ đến những lúc ba lúi húi chăm sóc cây cảnh, nhớ đến những nụ cười hiền hậu của ba khi con cháu về sum vầy bên gia đình.
Vỹ Dạ