Vấn vương lá mì
Trời còn mờ sương, chị đã lục tục sửa soạn, í ới mấy chị em trong làng cùng nhau đi hái lá mì. Lá mì phải hái sớm, khi trời hãy còn mờ sương mới ngon. Mấy hôm nữa, làng vào hội, gì thì gì phải có món ăn được chế biến từ lá mì.
Việc chung của làng, mỗi người mỗi việc. Cánh chị em phụ nữ như chị lo việc bếp núc. Vốn đảm đang, tháo vát, chẳng biết từ bao giờ, chị được chị em trong làng tín nhiệm trong mọi việc, mua sắm món này, món kia, ra rừng, lên rẫy hái thêm lá này, gia vị nọ.
Lần nào cũng vậy, chị đều dặn dò chị em, lo việc chung của làng phải cho tươm tất. Mỗi năm cũng chỉ đôi ba lần cả làng cùng nhau ăn bữa cơm chung, phải chú ý thay món này, đổi món kia cho đa dạng. Nhưng lần nào cũng vậy, hội làng phải có món ăn chế biến từ lá mì. Đó là hồn cốt của đất làng, của người làng, phải nâng niu, gìn giữ.
|
Nói đến đó, đôi mắt chị bỗng nhìn ra phía xa xăm. Chị nhớ ngày chị hãy còn bé con, đã lẽo đẽo theo mẹ ra rẫy hái lá mì mỗi sớm mai. Ngày ấy, cả làng cùng nghèo, bốn bề xung quanh là núi rừng, là những rẫy mì xanh ngút ngát. Bữa cơm của con nhà nghèo quẩn quanh với măng rừng, lá mì, đôi ba con cá suối. Đơn sơ vậy mà hôm nào cũng rộn ràng tiếng cười vui. Mà anh chị em chị có ước ao gì nhiều đâu. Chỉ mong sao nồi cơm hôm nào cũng vun đầy, có thêm món lá mì muối chua mẹ để dành bên góc bếp là những đôi mắt háu ăn, những cái bụng háu đói mãn nguyện rồi.
Ngày ngày, tháng tháng trôi qua. Mấy anh chị em chị nhờ món lá mì xào thịt, lá mì xào cà đắng, lá mì muối chua nấu với cá suối... mà đi qua những bữa đói bữa no, ai nấy đều nên vóc nên hình.
Giờ mẹ chị đã đi về miền mây trắng xa. Nhớ đến mẹ là chị nhớ bóng dáng một đời lo toan cho đàn con bé dại. Nhớ những lần chị lẽo đẽo theo mẹ ra rẫy hái mì. Lần nào cũng vậy, vừa với tay hái, mẹ chị vừa ngoái đầu lại nhìn chị trìu mến, dặn dò, hái lá mì con chọn lá to, non ở trên ngọn và nên hái lúc hãy còn sớm. Lúc đó, trời chưa nắng gắt, lá mì cả đêm thấm đẫm sương sa sẽ cho vị ngọt ngào tinh khiết hơn lúc về chiều. Mà không phải loại mì nào con cũng hái lá ăn được, chỉ có loại mì gòn (mì ta) và một loại mì nữa chỉ dùng cho hái lá. Nói vậy, mẹ chị với tay hái lá hai loại mì, rồi chỉ từng chi tiết nhỏ cho chị dễ phân loại. Loại mì chuyên để ăn lá không có củ, lá nhỏ, xanh, dài, cuống màu trắng và loại mì gòn có cuống và gân lá màu đỏ, củ khi nấu lên nở bung nhìn rất bắt mắt.
Nhớ những lời mẹ dặn, sau này, khi chị lo toan từ việc nhà cho đến việc làng đều thuần thục những món ăn từ lá mì dân giã. Lá mì hái từ sớm, chị đem về rửa sạch, mạnh tay vò nát, đem luộc sơ cho ra hết nhựa trước khi chế biến. Học theo mẹ, chị chế biến món nào cũng ngon. Lá mì xào với thịt ba chỉ, lá mì xào cà đắng, lá mì nấu cá suối...
|
Bên bếp nhà chị khi nào cũng có hũ lá mì muối chua. Cũng dễ làm lắm mà ăn ngon miệng. Lá mì chị hái về cũng vò nát, kĩ càng luộc sơ qua chút rồi để ráo, bỏ vào hũ, ngắm lượng muối vừa chừng, không quên thêm vài quả ớt hiểm, chỉ vài hôm là cả nhà có dùng.
Cũng giống như mẹ, chị cũng ân cần hướng dẫn cho các con cách chọn lá, cách làm những món ăn từ lá mì. Mà đâu phải như ngày xưa đói khổ nên mê những món ăn chế biến từ lá mì trồng quanh nhà, quanh rẫy đâu, tụi nhỏ nhà chị lâu không thấy chị làm thể nào cũng hỏi. Nhất là món lá mì muối chua, đứa nào đứa nấy mê sao mà mê. Đứa nào cũng bảo lá mì muối chua nấu cái gì cũng ngon. Mớ cá suối mới bắt lên, ít thịt heo hôm mấy nhà chung nhau mổ còn sót lại, hay chút cá khô để trên gác bếp đã bao hôm, nêm nếm gia vị, trộn với ít lá mì muối chua, đặt lên bếp liu riu lửa, ăn miếng nào đúng ra miếng đó, đưa cơm lắm. Có bữa cơm chị đã công phu chuẩn bị món nọ món kia, ngồi vào ăn như thấy thiêu thiếu, thể nào chúng cũng cầm chén vào góc bếp, vớt trong hũ ra một ít lá mì muối chua ăn kèm. Chúng bảo, vị chua chua, bùi bùi, thơm thơm của lá mì luôn khiến chúng vấn vương.
Các con chị cũng như chị thôi, chị thầm nghĩ, không vấn vương sao được. Lớn lên cùng với cây mì, với những rẫy mì. Ăn những bữa cơm với những món ăn chế biến từ lá mì. Riết rồi thành quen, thành ghiền lúc nào chẳng biết.
Mà nào đâu chỉ quen, chỉ nghiền, những món ăn được chế biến từ lá mì bình dị, dân dã bên vườn nhà, ngoài rẫy đã trở thành đặc sản, thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của những ngôi làng bình yên dưới chân núi Ngọc Linh này.
Đấy, nào riêng chị, nào riêng mấy nhỏ nhà chị mê những món ăn chế biến từ lá mì. Mỗi lần làng có việc, những bậc cao niên đều dặn chị em lo chuyện bếp núc, gì thì gì cứ phải có món ăn chế biến từ lá mì. Cái vị bùi bùi, thơm thơm từ những món ăn chế biến từ lá mì luôn mang lại cho chị, cho người làng, cho cả khách gần, khách xa cảm giác thảo thơm mộc mạc, ăm ắp nâng niu.
Đang mạnh tay vò nát từng nắm lá mì để muối chua, chuẩn bị cho mấy hôm nữa hội làng, nghe già làng ngang qua dặn, ngoài món lá mì muối chua nhớ thêm món lá mì xào cà đắng nhé mà chị vui vui. Chị liền quay sang dặn mấy chị em, mấy hôm nữa, đúng ngày hội làng, nhớ dậy sớm đi hái thêm lá mì về xào cà đắng nhé!
NGUYÊN PHÚC