Tum xưa
Người Ba Na kể rằng: Ngày xưa, bên sông Đăk Bla có một làng nhỏ là Kon Trang-Or. Chán ghét cảnh các làng lân cận hay gây chiến để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ, hai con trai của người đứng đầu Ja Xi đã rủ nhau ra làm nhà riêng ở chỗ có nhiều hồ nước nhỏ, cạnh con sông này. Vùng đất thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt nhanh chóng được bà con các nơi tìm đến, hình thành lên làng mới, tên gọi Kon Tum. Theo tiếng Ba Na, Kon là làng, Tum là ao, hồ. Sau này, cư dân từ đồng bằng lên Bắc Tây Nguyên lập nghiệp, ban đầu cũng chọn làng hồ làm nơi định cư.
Chiều lang thang gió. Bà chầm chậm thả bước trên mấy bờ ruộng nhỏ. Chạm vào những ngày Xuân, đồng rau càng lên xanh ngắt. Đã mấy năm rồi, kể từ ngày không còn lấm lem đất bùn và bận rộn quang gánh nữa, thi thoảng bà vẫn ra đây, lúc lặng lẽ một mình, khi thì xúm xít chuyện trò cùng người cắt rau, làm cỏ, thả nước. Gần cả cuộc đời gắn bó với cái tum nhỏ này, bà không quên.
Bà quê gốc Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định. Năm 1966, cô gái 16 tuổi theo cha mẹ lên Làng Hồ lập nghiệp. Chân ướt chân ráo cùng bao bỡ ngỡ, song nhờ chịu thương chịu khó, cô hết đi phụ hồ, làm rẫy, lại chạy chợ bán rau, bán xác mì. Quần quật suốt tháng quanh năm, song gắng sức để cả nhà không đói ăn cũng đã là may mắn. Miền Nam giải phóng (1975), cuộc đời cô cũng sang trang. Lần đầu chuyển sang trồng rau muống trên mảnh ruộng vốn là tum xưa, không ngờ lại bền bỉ, sắt son đồng hành cùng công việc mưu sinh này dài lâu đến thế!
|
Trồng rau trên ruộng tum xưa, tưởng chừng giản đơn, mà hóa ra cũng phải mài miệt chắt chiu bao nhiêu công sức. Cào cuốc, cấy rau, làm cỏ, bỏ phân, cắt hái, bó lại, rồi gánh ra chợ bán. Tất cả các công đoạn, dù ít dù nhiều cũng chỉ một tay. Bù lại, rau muống bình dân vốn được “ăn hàng”, nên từ bỏ sỉ đến bán lẻ, người làm nông như bà càng siêng chăm, bận rộn.
Gần 45 năm miệt mài trên đất tum xưa, bà nằm lòng đến từng việc nhỏ. Vất vả, gian nan mỗi khi gặp mùa mưa bão, nước lũ dâng cao ngập cả khoảng đồng. Bà luôn khắc cốt ghi tâm, làm rau “có tâm” chỉ gắn với nguồn dinh dưỡng từ phân hữu cơ, chứ không tùy tiện vào đạm vào lân hay là thúc liền tăng trưởng. Ân tình cùng với tum xưa nào có thể quên, khi bà lặn lội đơn thân, một mình nuôi con lớn khôn.
Trở về truyền thuyết của người Ba Na, để hiểu thêm rằng: Vì được ra đời ở vùng đất có nhiều ao hồ nhỏ, nên chính Kon Tum đã được thiên nhiên ưu đãi cho những điều kiện “đắc địa” để có thể cấy trồng lúa và các loài rau nước cạn. Người thực lòng gắn bó với nơi đây đều không khó nhận ra rằng, trong lòng phố thị vui vầy, vẫn tồn tại đó đây những vùng “tum” ngày xưa lớn, nhỏ. Trong đó, khu vực có diện tích đáng kể nhất, phải kể đến vùng đồng ruộng nằm giữa làng Kon Tum Kơnâm (phường Thống Nhất) và Kon Tum Kơpâng (phường Thắng Lợi), khu vực nằm cạnh khu dân cư xóm Lò Heo cũ (nay thuộc Tổ dân phố 3, 4, phường Quyết Thắng), hay một số diện tích nhỏ lẻ, rải rác thuộc địa bàn phường Thống Nhất, Quang Trung.
Gắn liền với sự chuyển đổi của tự nhiên và quá trình xây dựng, phát triển của con người, hầu hết các tum xưa đều được người dân trong vùng chủ yếu trồng rau muống, rau cần, cấy lúa. Nỗ lực bám ruộng bám đồng của bà con đã góp phần hình thành nên một số điểm “chuyên canh” rau muống rau cần. Không ít gia đình mấy đời cấy lúa, làm rau trong lòng ruộng tum. Ổn định sản xuất mang lại nguồn thu đáng kể, nếu không muốn nói là thu nhập chính phục vụ cuộc sống gia đình.
|
Ngay như ở Tổ dân phố 3 (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum), hiện nay, dù những người làm rau muống có “thâm niên” như bà đã không còn theo đuổi công việc này do tuổi cao sức yếu, hay là chuyển đi nơi khác, thì vẫn có lớp kế tục kiên trì. Người dân ở đây không ngớt lời ngợi khen, ngưỡng mộ anh Phạm Tiến Minh (sinh năm 1978) - con trai vợ chồng người nông dân cả đời đã gắn bó cùng mảnh đất tum xưa. Chuyên chăm trồng cấy, gia đình anh không chỉ tạo dựng được cuộc sống nhiều người mong ước, mà còn nuôi dạy con cái học hành chu đáo, trưởng thành.
Nhiều năm qua, gia đình ông A Lên (làng Kon Kơnâm, phường Thống Nhất) chẳng những sống nhờ ruộng lúa mỗi năm hai vụ ở vùng tum rộng, mà còn góp công chung tay làm thêm rau muống, rau cần cùng bà con trong khu vực. Để tạo điều kiện cho các em tiếp tục đi học, con gái Y Ly (19 tuổi) cũng vui vẻ tiếp tục công việc ruộng đồng.
Trải qua 110 năm có lẻ kể từ ngày tỉnh Kon Tum được thành lập, những người dân sống nhờ tum xưa vẫn miệt mài với công việc mưu sinh, dựng xây cuộc sống. Gắn bó với tum xưa đem đến môi sinh tươi xanh và mang lại những hình ảnh quen thuộc, thân thương hằng ngày.
Vẻ đẹp rất riêng mà người đi xa vẫn mãi nhớ về. /.
Thanh Như