Truyền thuyết thác Đăk Pe
Để tiếc thương cho câu chuyện tình đẹp và buồn của chàng Đran và nàng Pe, bà con dân làng Đăk Krong, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà đã đổi tên thác Đăk Tia là thác Đăk Pe ngày nay.
Ngày ấy, cũng lâu lắm rồi, khi đêm đã khuya, quanh bếp lửa nhà rông, lũ con trai, con gái làng Đăk Krong chăm chú nghe già làng kể chuyện…
Con suối Đăk Tia hiền hòa bởi không nhiều nước lắm. Chừng nửa đầu mùa khô, sau khi làng mở hội mừng lúa mới khoảng một con trăng, là hầu như nước không còn bao nhiêu nữa.
Nước suối Đăk Tia trong vắt như ánh mắt đứa con trai làng mới lớn. Khi chảy đến địa phận làng Đăk Krong, địa hình bất ngờ thay đổi độ cao bởi những ghềnh đá lớn, con nước từ trên cao đổ xuống thành thác Đăk Tia và đưa tiếp nguồn suối về tận làng Đăk Krong, tưới xanh cây cối, vườn tược buôn làng.
Buổi sáng, dân làng thường ghé qua dòng suối lấy nước vào bầu khô mang đi lên rẫy. Buổi trưa, lũ chim chóc, thú rừng… về đây uống nước. Buổi chiều, lũ con gái trong làng ra đây gội tóc. Buổi tối, những đêm trăng sáng, suối là nơi lũ con trai, con gái đến đây hò hẹn…
Già kể, ngày ấy, lũ con gái trong làng tóc đứa nào cũng dài và đen mượt, trong đó có mẹ của già, có vợ của già. Cái vui, cái buồn, cái nghĩ, cái nhớ của dân làng Đăk Krong đều gắn liền với con suối này, không thể nào bỏ đi được…
Nhiều người già trong làng còn kể, khi nhớ thương người thân của mình đi xa, hoặc khi nhớ tưởng đến người mình yêu, cứ ra đứng dưới chân thác mà gọi lớn thì lập tức có tiếng vọng lại như đáp lời. Thế cho nên tên thác là Đăk Tia, theo tiếng Xơ Đăng có nghĩa là con thác “Đáp lời”.
|
Pe là tên một cô gái xinh đẹp - con gái duy nhất của Giàng Nước. Vào những đêm trăng sáng tiết trời mùa khô, khi mọi ngọn núi cánh rừng đã ngủ kỹ, nàng Pe thường xuống gội đầu và hong mái tóc dài tha thướt bên dòng nước này.
Hôm đó, cũng vào một đêm trăng sáng, nàng Pe lại xuống con suối Đăk Tia để gội đầu và hong tóc. Hình như chút men rượu cần của bữa tiệc vui lúc ban chiều khiến nàng khi ngồi hong tóc đã ríu mắt ngủ quên trên tảng đá to bên dòng nước suối.
Đran là chàng trai cao đẹp nhất làng. Chàng có đôi mắt sáng như sao, có mái tóc bồng lên như mây trời; tiếng nói chàng sang sảng, đôi chân chàng đi mấy cánh rừng không biết mỏi; chàng còn biết thổi tiếng sáo gọi lũ chim rừng về…
Buổi sớm hôm đó, khi con nai rừng chưa tỉnh giấc, chàng đã đi vào rừng để lấy ống nứa về làm đàn t’rưng nước chuẩn bị cho mùa trỉa rẫy lúa năm nay. Theo lệ thường, Đran đến bên bờ suối dưới chân Đăk Tia lấy nước vào chiếc bầu khô đeo bên thắt lưng. Có điềm gì lạ chăng, mà sáng nay lũ chim rừng dậy sớm hơn mọi hôm, chúng cất giọng hót râm ran trên mỗi cánh rừng khi sương mai vẫn còn đọng nhiều trên lá như đón chào chàng. Tiếng chim hòa lẫn tiếng con mang rừng tác, tha thiết gọi bạn tình bên sườn đồi xa xa… Cảm xúc của chàng trai mới lớn như căng đầy hơn trong lồng ngực, rộn ràng hơn theo những bước chân trần.
Khi Đran đến bên thác Đăk Tia là lúc mặt trời cũng vừa ló nắng. Những tia nắng đầu tiên làm cho nguồn nước thêm lấp lánh diệu kỳ. Đran tháo quả bầu khô đeo trên người, lội xuống suối lấy nước. Khi chàng mở nút chiếc bầu khô, bỗng dưng lũ chim rừng đồng thanh cất lên tiếng hót vang lảnh lót làm xao động cả một góc rừng. Thấy lạ, chàng ngước lên nhìn về phía đầu con thác. Nàng Pe xuất hiện trong bộ xiêm y rực rỡ như một đóa pơ-lang nở giữa đất trời; mái tóc nàng buông dài như dòng thác đổ; đôi mắt long lanh qua nụ cười bẽn lẽn, thẹn thùng. Nàng xinh như một đóa hoa rừng. Núi rừng lúc này bỗng lặng yên. Lũ chim ngừng hót, tiếng thác ngừng reo, con mang rừng cũng thôi không tác nữa... Tất cả như đang nín lặng chứng kiến phút giây chàng Đran và nàng Pe gặp nhau… Ánh mắt hai người hòa vào nhau như hai dòng nước, như tiếng chiêng cồng quyện luyến nhịp nhàng trong vòng xoang ngày hội.
Từ đó, suốt những mùa trăng năm ấy, họ đã trao nhau tình yêu thanh khiết và trong sáng nhất trong đời. Bóng núi tán rừng, dòng nước suối trong, tàn cây nơi đây đã lặng lẽ chứng kiến những đêm hò hẹn thiên thần ấy.
Chuyện tình của họ rồi cũng đến tai Giàng Nước, chắc do con chim rừng nào đó mách lẻo. Cha nàng đã không đồng ý và nổi giận, cấm ngặt nàng Pe xuống gội tóc bên dòng thác Đăk Tia. Chàng Đran đêm đêm một mình vẫn lặng thầm đến bên chân thác vọng tiếng gọi tên nàng. Chàng chỉ nghe tiếng rừng, tiếng nước, tiếng đá vọng vang trở lại như trả lời chàng, nhưng người thương đâu thấy!
|
Nàng Pe cũng rất buồn. Vóc dáng và tâm hồn nàng khát khô như cây rừng mùa trút lá. Nhìn con gái yêu ngày càng tiều tụy, Giàng Nước thương con nên đã mềm lòng nhắn lời nói với Đran: “Ta chỉ có một đứa con gái duy nhất, ta chỉ muốn nó ở bên ta để ta trông nom, chăm sóc. Nếu ngươi muốn cưới con gái ta làm vợ, thì hãy đi tìm bảy gùi củ đắng trong rừng sâu để làm lễ vật và làm quà cho con gái ta, thì ta mới chiều lòng…”.
Đêm đó, nhà rông làng đỏ lửa đến tận khuya. Đran đem chuyện thưa hỏi ý già làng và những người lớn tuổi về cây củ đắng mà Giàng Nước đã nói. Mãi đến lúc ngọn lửa đã mỏi, già làng rít cái tẩu thuốc một hơi dài, nhả từng ngụm khói đặc quánh bay cao lên tận nóc nhà rông, thủng thẳng nói: “Ngày mai, khi con gà siêng năng nhất làng chưa gáy sáng, con hãy đi về phía núi Ngọc Linh cao nhất kia để tìm thứ con cần”. Già nói và chỉ tay về phía mịt mùng những cánh rừng bạt ngàn hướng mặt trời đi ngủ, nơi có làng Tu Mơ Rông dưới chân núi Ngọc Linh hùng vỹ.
Hôm sau, không đợi con gà gáy sáng, Đran đã cài dao ngang thắt lưng lên đường. Chàng đi mãi, trời tối rồi lại sáng, rồi lại tối, không nghỉ một chút nào.
Trở lại chuyện nàng Pe. Nỗi nhớ thương người yêu cháy bỏng bấy lâu đã thôi thúc nàng vào đêm, nhân lúc Giàng Nước cha nàng trong cơn say ngủ, nàng Pe lẻn xuống chỗ cũ tìm gặp người yêu. Nàng đợi chàng suốt đêm dài bên dòng suối, trong cái lạnh cắt da thịt của tiết trời Tây Nguyên mùa khô. Và nàng chết trên tảng đá bên bờ suối vắng.
Tỉnh rượu, Giàng Nước không thấy con gái đâu, vội đi tìm. Khi đến bên thác Đăk Tia, thấy con mình đã chết, Giàng Nước đau khổ và hối hận vô cùng. Thân xác thanh khiết của nàng đã tan chảy dưới ánh trăng huyền hoặc của núi rừng đêm qua và hóa thân vào đá trắng; mái tóc dài của nàng cũng chảy xuôi theo dòng nước mát, óng ả, mượt mà…
Quá thương con, Giàng Nước cho khơi thêm nhiều con suối trong ngần gần đó cho chảy vào hòa cùng con suối đổ vào thác Đăk Tia. Nước đổ về nhiều làm cho “mái tóc” nàng Pe dài thêm, mượt thêm, vươn đến tận đầu làng Đăk Krong.
Phần chàng Đran, hai ngày đêm ròng rã lội suối băng rừng, quyết không lùi chí. Đến khi tìm được bảy gùi củ đắng nơi lưng chừng núi Ngọc Linh, một loài thảo mộc mọc hoang dại khắp núi rừng nơi đây mà người đời nay gọi là sâm quý.
Đran quay về đến chân thác Đăk Tia. Đang cơn đói khát, Đran vục mặt vào dòng suối để uống một hơi cho thỏa thuê cơn mệt mỏi rã rời. Lạ lùng thay, Đran thoảng nhận ra trong dòng nước dường như có mùi hương tóc nàng Pe! Mùi hương tóc ấy làm chàng thẫn thờ, nhung nhớ. Khi ngẩng đầu lên, Đran bắt gặp ngay ánh mắt u buồn ra chiều ân hận của Giàng Nước đang đăm đắm nhìn chàng!...
Sau khi nghe Giàng Nước kể hết mọi điều, Đran vô cùng đau khổ, chàng quỳ ngay bên chân thác cất lời xin Giàng Nước cho mình hóa thân thành cây cổ thụ đứng bên thác để luôn được gần người yêu. Giàng Nước đồng ý. Và từ đó dân làng Đăk Krong mãi luôn nghe những lời sẻ chia tâm sự của chàng Đran và nàng Pe qua tiếng râm ran thác đổ ngàn đời.
Để tiếc thương cho câu chuyện tình đẹp và buồn ấy, bà con dân làng Đăk Krong, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà đã đổi tên thác Đăk Tia là thác Đăk Pe ngày nay.
Trường Trầu