Tháng Ba mùa gặt
Tháng Ba, nắng vàng như rót mật xuống cánh đồng làng, bà con đang gặt lúa. Bức tranh quê ngày mùa ngỡ chỉ còn trong ký ức vậy mà nay lại hiển hiện ngay trước mắt. Cố hít lấy hít để mùi thơm của lúa mới, của rạ rơm mà như thấy cả bầu trời tuổi thơ đang trở về.
Tháng Ba, đồng quê trải dài một màu vàng óng ả. Màu của nắng, màu của lúa chín. Thỉnh thoảng, từ cánh đồng lúa bay vụt lên từng đàn cò trắng, bầy chim én thì đua nhau chao lượn. Trên kênh thủy lợi tưới tắm cho cả cánh đồng ruộng từ bao đời nay, đàn vịt chạy đồng lượn lờ tắm mát. Chúng ngụp lặn, rỉa cánh, thỉnh thoảng kêu toáng lên khi thấy bóng người đến gần, rồi lại đủng đỉnh chờ lúc được sà vào những ô ruộng vừa gặt xong tìm lúa rơi vãi.
Mùa gặt, đàn ông, đàn bà ở quê đều ra đồng, mỗi người một việc, dù bây giờ cơ bản đã có máy móc hỗ trợ. Con nít cũng theo cha mẹ ra đồng để chăn bò, thả diều.
Nhớ khi còn nhỏ, ngày mùa tháng Ba, thường theo cha mẹ ra đồng, cùng đám con nít ở làng leo lên những rẻo đất cao ở giữa đồng, nơi có nhiều cây bụi để tìm tổ chim.
Mùa này, chim về làm tổ, đẻ trứng rất nhiều trên những ụ đất cao đó. Thậm chí, chim còn làm tổ trên những ngọn lúa. Bởi thế mà trước khi đám lúa nào được gặt đều được con nít ở làng chia nhau đi “thăm dò” trước.
|
Gặp đám ruộng tốt có khi có vài tổ chim. Tổ nào có chim non thì mang về nuôi, có khi nuôi được vài ba ngày thì lại rủ nhau mang ra đồng thả cho chúng trở về với môi trường tự nhiên để mùa lúa chín sau chúng còn về làm tổ trên những cánh đồng.
Vụ này, thời tiết thuận nên bà con nông dân được mùa. Trên gương mặt các bà, các chị dẫu mệt nhọc, dẫu mồ hôi nhễ nhại nhưng ai cũng nở nụ cười thật tươi. Những bao lúa đã qua công đoạn vò, thổi sạch bằng máy sẽ được bà con cho vào bao chất đống ở bờ ruộng. Khi đủ số lượng, sẽ có xe chở về nhà, bà con phơi khô cất vào kho dùng đến mùa sau, nhà nào ít người thì chờ được giá bán bớt cho thương lái.
Tính ra, người nông dân làm ruộng bây giờ không còn vất vả như trước nữa. Từ các khâu cày, bừa, gieo sạ, thu hoạch đều có máy móc hỗ trợ, rồi đến cả khâu thu mua cũng không còn phải đi tìm kiếm mối lái như ngày trước, vì có khi thương lái còn ra tận ruộng. Tất nhiên, bây giờ đường sá thuận tiện nên chẳng còn tình trạng tư thương ép giá, mà việc mua bán thuận theo giá cả thị trường và nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Không khí ngày mùa rộn vui. Lúc nào cũng nghe tiếng các ông, các bà trò chuyện, cười nói rôm rả. Dù chẳng biết chuyện gì, chỉ nghe thôi cũng đủ thấy mọi mệt nhọc gần như tan biến.
Tháng Ba, dẫu cái nắng đã bắt đầu oi nồng nhưng lâu lâu vẫn có những cơn gió “mồ côi” làm dịu mát tâm hồn, lan tỏa mùi thơm của lúa mới, của bùn đất, rạ rơm cứ muốn níu giữ bước chân người con xa xứ ngày trở về.
|
Chiều tà, trên đường làng, những chiếc xe bò lững thững bước đi chậm rãi chở đầy những lúa, những rơm rạ về nhà. Bọn trẻ con thì hò hét nhau lùa bò về nhà để còn tranh thủ chia nhau “chiến lợi phẩm” là những con cua, những xâu cá vừa bắt được ở ao, hố mà bà con dùng để tích trữ nước tưới cho lúa. Nghe tiếng cãi vã, cười nói vui vẻ của bọn trẻ, ngửi mùi thơm nồng nồng của bùn đất mà thấy nhớ những đứa bạn thân ngày xưa một thưở cắt cỏ chăn bò.
Ai cũng có tuổi thơ. Và chắc chắn một điều là tuổi thơ của trẻ em ở phố sẽ khác hẳn với tuổi thơ của trẻ em ở quê. Trên cánh đồng ngày mùa, dẫu lúc nào cũng lấm lem bùn đất nhưng đứa trẻ đứa nào cũng toát vẻ hồn nhiên, rắn rỏi và tinh nghịch.
Thật may mắn khi được về làng quê đúng dịp tháng Ba mùa gặt, để có cơ hội được sống lại với những ký ức tuổi thơ. Và để thấy làng quê luôn yên bình mà đẹp đẽ.
SÔNG CÔN