Sương sâm ngày nóng
Tháng Tư về mang theo cái nắng nóng oi nồng của ngày hè. Đi dưới cái nắng bỏng rát thịt da, chợt thấy thèm vô cùng một chén sương sâm mát lành của mẹ.
Sương sâm là loại cây lâu năm, thân leo, có nhiều nhánh. Cây thường mọc bò dưới đất, leo lên các cây khác khi mọc hoang, hoặc leo lên bờ rào, bờ tường khi được trồng trong vườn nhà. Dây sương sâm thường dài trung bình từ 3-5m, những dây mọc lâu năm có khi dài từ 7-10m. Rễ sương sâm là rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất và có sức sống rất mãnh liệt. Lá sương sâm có phiến hình trái tim, được phủ một lớp lông mềm.
Cây sương sâm có giá trị sử dụng với toàn bộ các bộ phận gồm thân, rễ, lá, tuy nhiên phần lá dùng nhiều hơn. Điều đặc biệt là mùa nào cũng có thể thu hái sương sâm, nhưng cũng giống như lá giang, nếu thu hái vào mùa nắng thì cho vị thơm ngon hơn.
Ngày trước, ở quê tôi, sương sâm mọc hoang đầy trên các gò đất cao, trên rẫy, trên bờ rào những nhà ven gò. Bởi vậy, sương sâm không xa lạ gì với người dân quê tôi. Mọi người thấy sương sâm đều hái về. Mẹ tôi cũng thế, đi làm trên gò hay trên đồi tràm, khi về thường có một bó dây sương sâm. Có hôm hái được số lượng nhiều thì mẹ làm một mẻ thạch sương sâm cho cả nhà dùng, nếu hái được ít thì mẹ cẩn thận cho lên chái bếp sau nhà phơi khô, chờ khi nào có nhiều mới chế biến món ăn cho cả nhà.
|
Bọn con nít chúng tôi, mỗi lần chăn bò trên các gò đồi thường khám phá đủ thứ cây trái tự nhiên để ăn, để phục vụ cho các trò chơi dân gian của mình. Nói về cây trái tự nhiên ở rừng, ở rẫy mà ăn được hoặc dùng để làm trò chơi thì nhiều vô số kể, thường hay bắt gặp nhất là chim chim, dủ dẻ, chòi mòi, cơm nguội… Lá cây có thể hái về chế biến món ăn phải kể đến lá giang, sương sâm, tàu bay, chua lẻ, me đất.
Nếu tàu bay, chua lẻ, me đất mọc dưới đất thành từng khóm dễ nhìn, dễ tìm kiếm, thì việc tìm sương sâm khó hơn vì là thân dây leo. Kinh nghiệm là bờ rào nào ít bị chặt phá, phát dọn thì sương sâm mọc dày và nhiều. Chỉ cần bắt gặp được bụi sương sâm lâu năm là có thể hái được cả nắm to lá về chế biến món ăn rồi.
Ngày trước, rẫy còn nhiều, sương sâm hoang mọc nhiều vô số kể. Chỉ cần thèm ăn sương sâm là có thể lên rẫy, đi dọc các bờ rào một chút là có thể hái được cả túi lá mang về chế biến món ăn. Sau này, cùng với phong trào phát triển kinh tế, trồng cây công nghiệp, tấc đất thành tấc vàng, rẫy vườn được người dân dọn dẹp sạch sẽ, cây sương sâm cũng ít dần.
Lá sương sâm hái về, mẹ đem rửa sạch, cho vào cối giã nát (cả dây và lá), rồi cho nước vào trộn lẫn, dùng tay vò nát những dây sương ra những chất dẻo. Để sương sâm đông lại nhanh hơn, trong quá trình vò lá và dây sương sâm, mẹ cho thêm ít bột mực nang (nang mực, phơi khô, dùng muỗng cạo phần bột nang màu trắng). Sau đó dùng rây hoặc túi vải lọc lấy nước sương sâm.
Sương sâm chế biến xong, để chưa đầy một tiếng đồng hồ là có thể dùng được. Sương sâm phải ăn kèm với nước đường nấu với gừng, thêm ít cốt dừa nữa thì mới hấp dẫn hơn.
|
Vào những ngày nắng nóng, mẹ thường chế biến món sương sâm cho cả nhà dùng. Có thể nói đây là một món ăn được nhiều người ưa chuộng vào mùa hè nhờ khả năng thanh nhiệt, giải khát. Ba đi làm đồng về, đang nóng nực, mồ hôi nhễ nhại, được mẹ múc chén sương sâm đưa cho thưởng thức là “quên luôn cái nóng”. Chị em tôi buổi trưa đi học về cũng được mẹ múc cho chén sương sâm, bưng trên tay chỉ cần hít mùi thơm đặc trưng của lá sương sâm là đã thấy mát dịu cả người.
Mỗi khi ngày nắng nóng, trẻ con trong nhà thường bị nhiệt, các bà, các mẹ đều nghĩ đến món sương sâm.
Ngày nay, sương sâm mọc tự nhiên cũng không còn nhiều, nhưng nhiều nhà đem dây về trồng, nên nguồn cung cũng không hiếm. Trên thị trường cũng bán rất nhiều. Sương sâm trồng có hai loại khác nhau, gồm sương sâm lá lông và loại sương sâm lá trơn. Dù là hai loại, nhưng đều là sương sâm, nên khi chế biến, chất lượng món ăn không khác nhau là mấy.
Những ngày nắng nóng này, nhớ lắm món sương sâm của mẹ làm. Bởi thế, mỗi khi đi làm về, bắt gặp trên phố hoặc ở góc chợ có chiếc xe đẩy bán sương sâm là mừng lắm, ghé vào mua một bịch về thưởng thức ngay.
SÔNG CÔN