Khắc ghi chuyện kể của bà
Tháng Tư lại về, năm nay niềm vui này càng lớn hơn khi cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). 50 năm- một chặng đường đủ dài để nhìn lại quá khứ, để tri ân những người đã ngã xuống, để tự hào về một Việt Nam vững mạnh, kiên cường và đang dần khẳng định mình trên chính trường thế giới. Còn với Nam, ngày này vô cùng quan trọng bởi trong trái tim cậu mãi khắc ghi những chuyện kể của bà.
Nam sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ ven đô, nơi gió chiều thổi nhẹ qua mái ngói cũ và hoa mười giờ nở rộ dưới sân mỗi sáng. Nhưng điều làm tuổi thơ Nam đặc biệt không nằm ở ngôi nhà ấy, mà là người bà- người đã khắc sâu vào trái tim cậu hình ảnh một thời chiến tranh bằng những câu chuyện kể đầy xúc cảm. Bà là lính truyền tin trong chiến tranh, từng sống và chiến đấu dưới lòng địa đạo Củ Chi- một thế giới ngầm tối tăm nhưng tràn đầy ý chí quật cường.
Từ khi Nam còn nhỏ xíu, cậu đã thích chui vào chăn cùng bà, nằm yên lặng nghe bà kể chuyện trước giờ đi ngủ. Bà không kể chuyện cổ tích có tiên có rồng, bà kể về những căn hầm đất chật hẹp, những dây điện thoại truyền tin thủ công, những chiếc bếp Hoàng Cầm không khói, và cả những lần chạy thục mạng khi bom dội xuống từ trên đầu. Cậu bé Nam khi ấy không hiểu hết, nhưng trong ánh mắt long lanh của bà, cậu thấy sự mạnh mẽ và thiêng liêng.
Bà kể có lần bà đang truyền tin thì đường dây bị đứt. Địch phát hiện, cả hầm báo động. Bà cắt ngang liên lạc, ôm bộ đàm mà chạy gần hai cây số dưới lòng đất để chuyển tin bằng miệng. May mà còn kịp…
Bà vừa kể, vừa xoa đầu Nam bằng bàn tay nhăn nheo thô ráp, nhưng luôn ấm áp lạ thường. Mỗi lần như vậy, cậu lại ôm bà thì thầm: “Bà ơi, sau này cháu lớn, cháu cũng muốn làm gì đó cho đất nước mình, giống như bà”. Bà cười hiền, ánh mắt nhìn xa xăm như thấy lại một thời tuổi trẻ.
Bà mất vào một buổi sáng cuối tháng Tư- đúng vào ngày 30/4. Không ai ngạc nhiên, bởi bà từng nói: “Nếu có ngày bà rời đi, bà muốn đi đúng vào ngày đất nước được giải phóng. Để bà có thể ra đi cùng niềm tin trọn vẹn”.
Kể từ đó, mỗi năm vào đúng ngày 30/4, Nam đều gác lại mọi công việc còn bộn bề để về thăm mộ bà. Nghĩa trang nằm ở ngoại ô, giữa một cánh đồng nhỏ và rặng tre xanh. Ngày ấy bao giờ cũng lặng gió, chỉ có tiếng chim hót và tiếng cỏ rì rào trong nắng. Nam không mang theo gì ngoài một bó huệ trắng, một ít trái cây cùng với cuốn sổ tay cũ kỹ- nơi mà cậu ghi lại những điều muốn nói với bà.
|
Nam giờ đây không còn là cậu bé mê chuyện kể năm nào. Cậu đã là kỹ sư xây dựng trẻ đầy nhiệt huyết, đang tham gia dự án quy hoạch khu dân cư của một huyện miền núi ở Tây Nguyên- nơi có nhiều thôn làng đồng bào DTTS còn sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, đường sá gập ghềnh và cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn vất vả.
|
Thế nhưng mỗi khi gặp khó khăn, Nam lại nhớ về địa đạo Củ Chi mà bà từng kể. Những đoạn hầm chỉ cao ngang ngực, đất sét dính bết đầy người, không khí ngột ngạt, chỉ cần thở mạnh là lộ vị trí. Vậy mà người ta vẫn sống, vẫn chiến đấu, vẫn cười.
Nam ngồi xuống bên mộ bà, đặt bó hoa huệ cạnh bia đá khắc dòng chữ: “Chiến sĩ truyền tin- Người giữ mạch liên lạc cho tự do".
Bà ơi, Nam khẽ nói, giọng lặng đi giữa nắng chiều. Năm nay con gặp nhiều chuyện áp lực lắm bà ạ! Dự án vùng cao cứ bị trễ tiến độ, dân thì chưa tin, trên thì hối thúc, mà dưới thì thiếu người. Có lúc con chỉ muốn bỏ cuộc.
Cậu ngừng lại, lặng một chút như chờ tiếng bà trả lời. Trong gió chiều, có tiếng xào xạc vang lên từ rặng tre xa xa, như một lời vỗ về.
Nhưng rồi con nhớ lại chuyện bà kể. Chuyện hôm bà bị thương mà vẫn cố bò qua đoạn địa đạo dài gần trăm mét để giữ liên lạc cho đơn vị. Bà không có máy móc, không có ánh sáng, không có gì ngoài lòng tin vào thắng lợi. Con nghĩ nếu bà còn sống, bà sẽ bảo: “Con làm vì ai? Nếu vì dân, thì đừng bỏ cuộc”.
Nam khẽ cười. Cậu không rõ vì sao, nhưng mỗi khi nói chuyện với bà, mọi thứ trong lòng cậu như được gỡ rối.
Ánh nắng đã ngả về tây, vàng rực một vùng trời. Nam đứng dậy, vuốt nhẹ lên mộ bà như thay lời chào tạm biệt. Cậu biết bà không còn ở đây, nhưng những câu chuyện, những bài học, những ký ức về một thời ở địa đạo Củ Chi mà bà kể, vẫn sống mãi trong tim cậu. Và chúng đã hóa thành động lực để cậu tiếp tục cuộc chiến giữa thời bình- không phải bằng súng đạn, mà bằng niềm tin và đôi tay xây dựng.
GIA THỊNH