Duyên xuân của làng
Tôi có duyên trở về làng nhiều lần. Hầu như lần nào cũng đều vào những ngày sau Tết. Cũng chẳng vì hà cớ gì, chỉ là lỡ mê “chủ nghĩa xê dịch” của cụ Nguyễn Tuân, đôi khi muốn được bước ra khỏi khung cảnh chật hẹp, sắp đặt, chân được dạo bước trên con đường làng vời vợi những mây trời, gió núi. Vậy là không hò cũng chẳng hẹn, cứ thế mà lên xe đi về làng.
Những ngày này, khi những cơn gió thổi hơi lạnh từ trên ngọn núi phía sau làng mỏng dần, mỏng dần, nhường chỗ cho hơi ấm ngày xuân, ngôi làng càng có vẻ đẹp rất riêng, vừa nên thơ, hữu tình, vừa trong lành, mời gọi. Những vạt cỏ đuôi chồn nâu nâu dập dờn ẩn hiện theo những vạt đồi nhấp nhô. Những cành cây đào đậu trơ trụi lấm tấm những bông hoa bừng nở đón xuân - loại cây ngỡ như dành riêng cho làng, khiêm nhường mà ngời sức sống, qua mỗi mùa lặng lẽ trút bông, lặng lẽ đâm chồi, lặng lẽ đơm bông, lặng lẽ tỏa hương. Những con người với gương mặt bao giờ cũng hồn hậu, ngời sáng, sáng sáng tất bật ra đồng, lên rẫy, chiều chiều nặng bước sau chiếc xe bò kéo với vun đầy những thân ngô, bắp ngô.
Quả thật, chẳng còn gì thú vị hơn khi được nghe mùi thơm thơm từ những thân ngô, những trái ngô tươi từ bãi bồi bên sông đang theo những bước chân tảo tần của người làng về từng căn nhà nhỏ. Mùi ngai ngái của đất, vị thanh thanh của nước. Mùi nồng nồng của mưa, của nắng, của những lở bồi theo tháng, theo năm nơi bãi bồi bên sông. Mùi mằn mặn của những giọt mồ hôi đổ xuống như chở nặng bao dãi dầu, bao lam lũ, bao miệt mài, bao cần cù của người làng suốt cả mấy tháng trời. Tất cả cộng hưởng lại thành một mùi vị rất riêng, như hương đất, hương núi trả công người chăm bẵm, cần mẫn, miệt mài, cứ khơi thương, gợi nhớ trong tâm hồn của một người lớn lên từ đất quê ruộng làng như tôi mỗi độ.
|
Những lần về làng, tôi được nghe kể về dòng sông chảy sau làng, về bãi bồi nằm chênh chếch phía bên kia sông. Người làng uống nước sông, tắm nước sông từ bé mà lớn lên. Người làng nhìn dòng nước đưa phù sa đắp bãi bồi màu mỡ. Mà bãi bồi ấy, nhỏ thôi, ngước tầm mắt là chạm chân núi. Gọn gàng thế mà đã đi qua biết bao nhiêu thời gian, đeo đẳng bao phận người. Hết mưa đến nắng. Hết những năm hạn hán, người làng lội sông qua được hẳn bãi bồi nhô. Đến những năm nước lũ cuộn dâng, khỏa lấp cả bãi bồi một thuở.
Những ngày gian khó, bãi bồi bên sông chỉ lau lách cỏ dại, người làng chưa biết chăm bón cây gì cho gian bếp thêm xôm. Dần dà, những lam lũ sớm hôm đưa cây ngô nếp đã xanh càng thêm xanh bên dòng sông biêng biếc mỗi ngày về. Những chén cơm thêm vun, những trái ngô thêm ngọt. Thấy vậy mà mấy đứa trẻ ở làng hớn ha hớn hở. Chiều chiều, chúng ra tận đầu làng đón mẹ cha từ bãi bồi về. Nhìn bước chân mẹ cha như trĩu nặng những giọt mồ hôi nhưng vẫn rổn rảng niềm vui thật thà sau chiếc xe bò chở bao ấm no mà ánh mắt hồn nhiên của chúng thêm lấp lánh.
Tầm này, dòng sông sau làng đã cạn dần. Dòng sông chẳng cuồn cuộn trôi mà lững lờ theo mạch nguồn đổ về sông lớn. Dòng sông chẳng nề hà đôi chút tạp âm của dòng đời ngoài xa kia đang hối hả vọng về, vẫn mải miết trôi giữa trong trẻo tiếng chim như báo hiệu hoàng hôn gọi. Hai bên bờ vẫn đẫm một sắc xuân xanh, một sắc xuân rất riêng ở ngôi làng nhỏ này. Sắc xuân không đến từ những hạt mưa xuân rây rây lên những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt mát. Sắc xuân đến từ những giọt sương đêm đọng lại trên từng cành cây, ngọn cỏ đang tan dần trong màu nắng vàng trải đều khắp những triền đồi, khắp đồng ruộng, khắp cả bãi bồi. Sắc xuân đến từ vẻ phong trần, hoang hoải, nhưng chất chứa vẻ khoáng đạt, an yên của ngôi làng bên sông này mang lại.
Về làng những ngày này, tôi cảm nhận rõ mùa xuân của đất trời, mùa xuân của chính tôi. Bao nhiêu ồn ào, chao chát như được đẩy lùi theo tiếng gió. Gió thênh thang. Gió mênh mang. Gió thổi từ trên núi về. Gió thổi từ dòng sông qua. Gió thổi từ cánh đồng lúa mới bén rễ, phủ một màu xanh dịu nhẹ bên cuối làng trở lại.
Gió thổi qua làng mang theo bao hương sắc ngày xuân nhẹ tỏa. Hương núi, hương làng. Sắc ruộng đồng, sắc cây cỏ. Tôi đứng yên trên lưng chừng dốc, mắt nhắm lại, mũi hít hà đến căng lồng ngực. Đúng là nét duyên xuân của làng, bình dị, tự nhiên, chẳng dễ gì trộn lẫn. Chỉ chừng đó thôi mà sao thương quá đỗi, mà sao mến quá chừng. Vậy là tâm hồn như thơ thới, như tươi nhuần trước những tinh khôi thuần khiết, trước những khoáng đạt, trước những bình yên của ngày xuân đang trôi qua nơi ngôi làng bên chân núi này.
NGUYÊN PHÚC