Dùng dằng bãi sông
Ở nơi ấy, người với sông, bãi với người gần nhau như hơi thở. Nghĩ cũng lạ, đất nhỏ nhoi, những phận người cũng nhỏ nhoi, nhưng lại là một phần không thể thiếu làm nên sức sống cho một vùng đất.
Thật tình, tôi luôn yêu thích những lần hiếm hoi lang thang trên những bãi bồi ven sông. Đó là những lúc tôi được chìm đắm trong cái yên tĩnh, mơ màng, thơ mộng của buổi bình minh; sự khoáng đạt, bay bổng của buổi trưa, và cảm nhận cái man mác, sâu lắng của buổi chiều.
Nơi ấy, nước sông Đăk Bla lững lờ chảy, liếm nhè nhẹ vào bãi bồi, vấn vít quanh những chân cầu. Những vạt bắp, mì xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người.
Xa hơn một chút là làng. Những ngôi nhà đều không cửa, mở toang cho gió sông và khách khứa thoải mái ra vào. Trước sân thường có bộ bàn ghế đơn giản dưới tán cây để đón khách ghé thăm bất cứ lúc nào.
Đất nhỏ nhoi, những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng lại là một phần không thể thiếu làm nên sức sống cho một vùng đất.
Bạn tôi cũng có một căn nhà sát bãi sông như vậy!
|
Ngôi nhà nằm cạnh chân cầu, quay mặt ra sông, đón gió lồng lộng thổi vào. Căn nhà ấy không cổng, không cửa, xung quanh cây trái xanh um, ở bãi đất sát mép sông có trồng mì, trỉa bắp. Nhìn nhà là hiểu người, chân chất, thật tình lắm, chân thật đến bày cả gan ruột.
Dù rằng, những gì trong căn nhà ấy, mảnh vườn ấy đều thường thấy ở những nhà khác, vườn khác, nhưng đều làm cho người ta nhớ. Cây mận rung rinh trước sân; những vạt rau muốn xanh mướt nơi giếng nước; dăm ba gốc lựu đung đưa trái đỏ thẫm. Còn bãi mì, vạt bắp nếp thì xanh thẳm ngoài mép sông.
Dường như ở đây trời cao và xanh hơn. Nắng thì mênh mang, hừng hực. Gió thì cởi mở, phóng túng. Cây trái thì xanh rưng rức đến nao lòng. Còn người thì hào sảng, đã thương là thương sâu, đã nhớ thì nhớ đậm.
Từ ngày còn nhỏ tý, đứng chưa cao bằng con dao phát rẫy, như bao đứa trẻ trong làng, bạn đã gắn bó với bãi bồi.
Sáng sớm tinh mơ, cha mẹ ra bãi trỉa bắp, trồng khoai, chúng lẽo đẽo chạy theo, lê la nghịch với đất cát, nắng lên lại nhảy ùm xuống sông vẫy vùng, nên da đứa nào cũng đen cháy, tóc vàng khét một màu.
Lớn lên chút nữa, là những buổi săn chuột đồng, đào dế; nước lũ về ngập bãi thì bì bõm đặt lưới đánh cá. Cứ thế, ngày nắng hay mưa, đêm trăng hay mịt mờ bóng tối, người và bãi bồi không bị bứt rời nhau.
Thỉnh thoảng, tôi về thăm ngôi nhà nằm kề bãi ấy, để đắm mình trong rộn ràng buổi sáng, khi mọi người gọi nhau đi ruộng, đi rẫy. Để trầm tư trong man mác buổi chiều, khi phụ nữ lúi húi trong gian bếp nghi ngút khói, đàn ông ngồi uống nước trước hè, đám trẻ đùa giỡn dưới gốc cây, cô gái từ bãi về, thả gấu quần che bắp chân tròn lẳn.
Có những tinh mơ, tôi theo bạn ra bãi. Đôi chân trần bước đi trên lớp đất bãi vàng nhạt, xôm xốp, giòn tan mà như nghe được tiếng phù sa thở phập phồng.
Như hôm nay, bạn và tôi ra bãi từ khi mặt trời còn ngủ say sau dãy Chư Hreng. Sương chạm vào da mặt thấy lành lạnh. Dòng nước biếng nhác trôi, cái kiểu mà như không trôi, lững lờ, buông thả như mặc kệ, như dửng dưng mà lại hết sức níu kéo. Phải để ý lắm mới nghe tiếng sóng vỗ lóc bóc nhè nhẹ vào mấy gốc cây khô.
Đôi lúc, tôi dừng lại, hít mạnh, 2 tay giang rộng như muốn ôm cả bãi bồi vào lòng. Làn khí mát lành, trong văn vắt tràn vào phổi, lẫn hương cỏ mật. Thơm đến lạ. Chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi.
Khi ánh nắng bắt đầu loang dần trên sông thì mặt nước cũng óng ánh vàng. Sương đọng trên những lá bắp non rung rinh, rồi bảng lảng tan cho một ngày bận rộn bắt đầu. Dân làng lũ lượt kéo nhau ra bãi, trỉa bắp, trồng rau, gieo cải. Tiếng cười nói râm ran một triền sông.
Không biết từ bao giờ, từ thời nào, người dân các làng ven sông Đăk Bla bắt đầu gắn bó với bãi bồi. Chỉ biết rằng, suốt dọc sông Đăk Bla, trừ những nơi hiểm yếu, vách dựng, nước siết, còn lại ta đều gặp những cánh bãi mênh mông, luôn tươi tốt cây trái, rau màu.
Cũng có khi bãi bồi trắng phếch một màu đất. Ấy là khi đất được nghỉ ngơi sau một mùa bận rộn. Nhưng rồi rất nhanh thôi, rau màu lại xanh rì trên bãi. Qua bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu nắng mưa, thời gian đó đủ cho một tình cảm thiêng liêng giữa người và bãi.
Khác với trước đây, đất bãi chỉ để trồng bắp, trồng mì, thả ít dây bí phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân làng, bây giờ, mùa vụ và rau màu trồng trên bãi đã thay đổi theo thị trường.
Trên bãi bồi, theo giọt mồ hôi rơi là mùa nào thức nấy. Với những bà nội trợ nơi phố xá, mấy gùi bắp nếp, ngọn bí, rau muống, rau cải xanh rờn được hái, được cắt từ bãi bồi luôn có sức hút đặc biệt.
Họ không cần ghé vào chợ để tìm đâu, cứ đi chậm thôi, thong thả thôi, ngang qua các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Bà Triệu, hay xung quanh Trung tâm thương mại sẽ gặp những mẹ, những chị, những em gùi rau. Và những mẹ, những chị, những em ấy cũng chẳng cần rao bán hay chèo kéo, nhưng khách vẫn xúm vào mua bằng hết.
Dù đã bao đời, bãi sông vẫn như một gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Nếu như bên này sông là phố xá hiện đại, với nhà cao tầng, quán xá, khách sạn, thì phía bên kia vẫn là những ngôi làng thanh bình, được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn, vẫn còn những nét sinh hoạt truyền thống của dân tộc Ba Na, vẫn còn thiên nhiên hoang sơ và tình người nồng ấm.
Nhưng thôi, tôi không kể nữa, để bạn còn tò mò, háo hức mà tìm đến. Này sông, này bãi, này rau màu, cây trái, này sự khoáng đạt, hồn hậu, chân thật của con người, tất cả đều sẽ được giữ lại, dù trải qua tuế nguyệt phôi pha.
Để bạn đến để quây quần bên bữa rượu ấm nồng với những chủ nhà mến khách; đêm mắc võng nằm thao thức bởi tiếng sóng vỗ bờ và gió thổi xào xạc trong dưới bãi.
Và để bạn đi chân trần trên bãi, nghe phập phồng phù sa thở. Đất không nói nhưng vẫn dùng dằng níu kéo, gây thương gây nhớ.
THÀNH HƯNG