• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Bóng dừa

09/03/2025 13:20

Không biết có ai còn nhớ đến những vần thơ trong bài “Dừa ơi” của Lê Anh Xuân đã được học từ thời tiểu học cách đây mấy mươi năm hay không? Nhưng riêng tôi thì mãi nhớ:

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ

Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió

Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

Nội nói: “Lúc nội còn con gái

Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân…”.

Có lẽ, tôi yêu và nhớ hoài những vần thơ ấy bởi vì quê tôi là xứ dừa. Từ xa xưa cho tới bây giờ, dừa trồng ở khắp vườn nhà ra tới ngõ, hai bên đường, rồi còn trải một màu xanh thăm thẳm ra gò bãi, lên triền đồi. Dừa vừa tạo cảnh quan, vừa che bóng mát.

Những buổi trưa hè nắng chang chang, oi nồng, nóng bức, ông nội thường mắc võng dưới bóng dừa ru cháu ngủ. Bóng dừa đã làm dịu mát hẳn cái nắng cái nóng không hề dễ chịu ở miền Trung vào mỗi ngày hè.

Nội kể, khi lớn lên ông đã thấy dừa trước ngõ. Vườn dừa thân thuộc với ông đến mức nhắm mắt lại vẫn hình dung được từng cây từng cây một có đặc điểm như thế nào. Từ những cây dừa có thân cao đến những cây dừa thân thấp, cây nào cho nhiều quả, cây nào cho ít quả, cây nào cho quả ngon và ngọt nước, ông đều nói vanh vách.

 
Quê hương rợp bóng dừa. Ảnh: S.C

 

Ngày ấy, con đường dẫn vào nhà nội tôi có hai hàng dừa rợp bóng mát. Ngay từ đầu ngõ đã thấy mấy cây dừa thân cao chót vót, tuổi đời chắc cũng mấy chục năm. Mỗi khi nhìn lên những thân cây dừa ấy tôi cứ thắc mắc hỏi nội, sao thân cây nào cũng chằng chịt những vết như bị chém, lại còn có những cái hốc thật to, chim thường vào đó làm tổ.

Khi ấy, nội kể, những vết, những hốc ấy chính là vết tích của chiến tranh. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, vùng quê tôi bị giặc Mỹ giày xéo tang thương, nhiều người đã chiến đấu anh dũng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Hàng dừa không chỉ tô điểm cho vẻ đẹp của làng quê mà còn “tham gia” kháng chiến, hứng chịu biết bao đạn bom của kẻ thù. Dẫu mang trên mình đầy rẫy những vết thương chiến tranh, nhưng lạ thay không có cây dừa nào chết đi, mà mỗi ngày cứ vươn mình lên xanh tốt, cho nhiều quả ngọt.

Cũng từ ngày nghe nội kể, tôi dành tình yêu đặc biệt cho những cây dừa ấy. Nhất là mỗi năm khi mùa mưa bão đến, trong tôi lại phập phồng nỗi lo cây dừa cao như thế sẽ bị gió quật ngã. Nên hễ mưa to gió lớn là tôi lại chạy ra cửa ngó nghiêng thăm chừng.

Ở quê, ngày nắng, bóng dừa che mát cho sân vườn, cho đường làng. Ngày mưa bão, người làng chặt những tàu lá dừa đan lại làm phên dậu để che chắn gió. Sau này, vườn dừa cũng trở thành nguồn thu nhập đáng kể trong gia đình.

Kể về dừa thì có thể làm đủ các sản phẩm, món ăn. Quả dừa cho nước dùng để giải khát. Trong quả dừa có cơm dừa thì tùy vào giai đoạn có thể dùng để làm mứt, làm nhân bánh, dầu dừa, chế biến nhiều món đặc sản nổi tiếng như canh bí đỏ nấu nước dừa, bánh tráng dừa. Xơ dừa để se chỉ làm dây cột hoặc đan võng, thảm lót sàn nhà. Thân dừa già có thể xẻ làm gỗ phục vụ các công trình xây dựng. Tàu dừa dùng làm củi. Cọng dừa làm chổi quét sân. Lá dừa để lợp nhà hay nhóm bếp.

Ai quê xứ dừa có lẽ đều biết đến cảnh ngâm xơ dừa, đập xơ dừa, se sợi xơ dừa. Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến bà Sáu, em của ông nội tôi, người gắn bó cả đời với nghề truyền thống này. Trưa nào bà Sáu cũng lục đục ở ngoài mảnh vườn rợp bóng dừa để đập xơ dừa, se chỉ xơ dừa, có khi thì chuốt cọng dừa để làm chổi kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là công việc của đại bộ phận người già ở quê tôi ngày ấy.

Quanh chuyện về cây dừa còn có cái nghề nguy hiểm mà có lẽ hiếm miền quê nào có như ở quê tôi đó là nghề leo dừa. Ở cái nghề này chẳng những đàn ông không thôi đâu mà cả phụ nữ cũng tham gia nữa. Nhiều lần tôi chứng kiến cô Bảy leo dừa, phải nói rằng cô nhanh tay lẹ chân như “sóc”. Trò chuyện chưa hết câu đã thấy cô leo lên nửa thân cây dừa bằng một sợi dây nãi. Vắt vẻo trên cao nhưng xem ra cô đã quen với nghề nên chẳng có vẻ gì sợ hãi, mà thay vào đó khéo léo hái từng quả dừa thả xuống đất mà không hề bị nứt nẻ, chảy nước. Nghề nào quen nghề nấy chứ ai có dịp nhìn thấy các bà, các chị ở quê tôi leo dừa cũng “khớp” lắm.

Mỗi mùa hè, trẻ con chúng tôi trưa nào cũng rủ nhau ra ngồi dưới gốc dừa mát rượi để đưa võng, thổi cuốc, bày trò chơi. Tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê xứ dừa còn sáng tạo ra những món đồ chơi từ lá dừa  thật đẹp, từ những món đồ trang sức như nhẫn, đồng hồ, mắt kính đến những món đồ hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu như là chong chóng, kèn lá, con bọ ngựa.

Giờ về quê thích nhất vẫn là được uống nước dừa ngày nắng nóng. Dừa vừa hái trên cây xuống, dùng dao gọt một đầu rồi cắm ống hút vào hút một hơi mát lành. Ngày nắng, uống ngụm nước dừa sảng khoái làm sao.

Rồi còn được ăn những món ăn chế biến từ nguyên liệu dừa như canh bí nước dừa, bánh ít dừa, cá lốc nấu ám (bằng nước dừa), cá lúi kho nước dừa. Món nào cũng đậm đà hương vị quê hương.

Lâu lâu chạy xe lòng vòng ở “phố núi” Kon Tum hay về các xã vùng ven thành phố, bắt gặp những bóng dừa mà thấy thấp thoáng hồn quê.

SÔNG CÔN

   

Các tin khác

  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
  • Đi trong mùa nắng
  • Tháng Ba mùa gặt
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Lễ tiễn, bàn giao hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước
  • Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – Thực trạng và giải pháp ứng phó”
  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • [INFOGRAPHIC] Viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by