Đâu chỉ là máu xương
Dù Chiến thắng Đăk Tô –Tân Cảnh đã cách đây 53 năm, nhưng vẫn còn đây Tượng đài Chiến thắng vươn lên trời xanh. Và ngày ngày, nơi máu xương cha anh đã đổ luôn có những thương yêu đang mãi đắp bồi.
|
Tôi đứng trên đỉnh dốc, nơi có Bia di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, phóng tầm mắt nhìn về phía Đông. Trước mắt là cầu 42, bắc ngang dòng Đăk Tờ Kan đang dần cạn nước bởi mùa khô khốc liệt.
Dưới chân cầu 42, là cánh đồng mía, bắp, và cả những vườn hoa tươi vươn mình khoe sắc, khoe hương trong nắng gió. Thị trấn Đăk Tô ngời lên trong nắng, với những mái nhà xanh đỏ, lô xô cao thấp, mang hơi thở của một đô thị đang phát triển.
Đang giữa buổi sáng, đường Hồ Chí Minh chạy ngang thị trấn nhộn nhịp người xe, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ mừng kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Trời trong vắt, có thể nhìn thấy rõ nòng pháo của xe tăng T59 mang số hiệu 377- được công nhận bảo vật quốc gia theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ- vươn lên ngạo nghễ.
Trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh, ngày 24/4/1972, cả kíp xe với 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy 7 xe tăng M41 của địch. Ngày nay, tên của 4 anh hùng liệt sĩ được khắc trên bia đặt nơi bệ xe gồm: Nguyễn Nhân Triển- Trung đội trưởng, Hoàng Văn Ái- pháo thủ, Trần Quang Vịnh- lái xe và Nguyễn Đắc Lượng- pháo thủ.
Để có một Chiến thắng Đăk Tô –Tân Cảnh vang dội, đã có nhiều, rất nhiều chiến sĩ ngã xuống, viết nên những khúc ca bi tráng.
Mùa hè năm 1972, sau những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, địa bàn Tây Nguyên đã được chọn làm hướng tấn công của bộ đội chủ lực để phối hợp với chiến trường chính Quảng Trị.
Thực hiện chủ trương, chiến lược ấy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên với nhiệm vụ: Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh.
Đây là căn cứ quân sự mạnh nhất của Ngụy quyền Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 1972, ở đây có 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp.
Về lực lượng quân đội ta, gồm các trung đoàn chủ lực 28, 66, 95, 24B của mặt trận Tây Nguyên phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum.
Cuối tháng 3/1972, các đơn vị chủ lực của ta đã vào chiếm lĩnh trận địa. Từ đầu tháng 4 đến ngày 21/4, bộ đội ta quét sạch địch ở các cứ điểm vòng ngoài của cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh; đánh chia cắt đường 14 đoạn giữa thị xã Kon Tum với Đăk Tô -Tân Cảnh.
Đồng thời bao vây, khống chế các căn cứ của địch ở Đăk Tô 1, Đăk Tô 2, cụm căn cứ Tân Cảnh. Các lực lượng dự bị của Ngụy từ các nơi đến tăng viện bị quân ta đánh thiệt hại nặng.
15 giờ ngày 23/4/1972, pháo binh ta nã đạn dồn dập vào căn cứ Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của địch. 1 giờ sáng 24/4/1972, xe tăng tiến lên mở cửa phía Đông căn cứ Tân Cảnh. Tiểu đoàn 9 cùng đội công tác tỉnh Kon Tum kêu gọi nhân dân nổi dậy. 5 giờ 55 phút ngày 24/4/1972, Tân Cảnh được giải phóng. 11 giờ trưa 24/4/1972, Trung đoàn 66 của ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Tân Cảnh.
8 giờ sáng 24/4/1972, quân ta làm chủ căn cứ Đăk Tô 2. Cụm phòng ngự mạnh của địch ở căn cứ Tân Cảnh – Đăk Tô 2 bị tiêu diệt, quân địch đóng ở các căn cứ Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận lỵ Đăk Tô rút chạy. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến Đăk Tô, về Đăk Mốt với hàng chục ngàn dân được giải phóng.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-ri, chấp nhận thất bại, rút quân về nước; góp phần tạo nên “bàn đạp” cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Tự hào thay, trong những yếu tố quan trọng làm nên Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, có sự đóng góp to lớn của quân và dân Đăk Tô nói riêng, Kon Tum nói chung.
Hồi ký “Kon Tum trong ký ức tôi” của Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt- nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, từng làm Tư lệnh Mặt trận Kon Tum năm 1968- cũng nhắc lại với sự trân trọng những đóng góp to lớn của nhân dân Đăk Tô trong chiến dịch này.
Hầu như công việc chuẩn bị đều dựa vào. Họ mở đường, kéo pháo, lo vận chuyển vũ khí đạn dược, gùi gạo vào các vị trí tập kết. Đồng bào các dân tộc H80, với đôi vai của mình, đã gùi hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, lương thực cho chiến dịch- hồi ký có đoạn.
Khi đọc những dòng ấy, tôi như thấy hình ảnh người mẹ Xơ Đăng “tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn” trong đoàn dân công hướng về tiền tuyến.
Nắng loang trên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh dựng trong một khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh. Một nhóm học sinh, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, đang ríu rít vây quanh Tượng đài Chiến thắng và xe tăng 377. Lịch sử được trao truyền, được gìn giữ và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách tự nhiên và sâu sắc như vậy.
Để đất đai nở hoa hôm nay, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ nơi đây đều đã nhuộm đỏ máu của cha anh. Và các thế hệ tương lai của đất nước cần được nhắc nhở để ghi nhớ mãi điều đó.
53 năm đã trôi qua, những cái tên sân bay Phượng Hoàng, Tri Lễ, cầu 42 không còn là nỗi ám ảnh của bom đạn. Vùng đất chiến trường từng bị bom cày, đạn xới đổi thay mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn.
Đời sống người dân cũng khá lên từng ngày. Những con đường trải nhựa phẳng lì, những đường điện vươn dài đến tận những thôn làng xa xôi nhất; rồi trường, trạm; rồi nước sạch ngày càng khang trang hơn.
Nhưng vẫn còn đây Tượng đài Chiến thắng vươn lên trên nền trời xanh. Nắng và gió nơi đây vẫn rì rào khúc tráng ca bất diệt về chiến công hiển hách “làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên” trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972.
Và nơi đây đâu chỉ có máu xương đã đổ, mà còn có những thương yêu đang mãi đắp bồi để quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thành Hưng