Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
|
|
Có hẹn từ trước, tôi tìm đến nhà ông A Khunh khi mặt trời vừa ló rạng sau dãy núi xa. Trong gian nhà sàn giản dị, làn khói bếp mong manh quyện quanh bóng dáng ông A Khunh lom khom, tay thoăn thoắt đan chiếc nia còn dang dở. Nghe tiếng bước chân, ông ngẩng lên, nở nụ cười móm mém hiền hậu. Ông rót chén nước chè nóng, mời khách. Vừa đan, ông vừa chậm rãi kể chuyện đời mình.
Ông A Khunh kể: “Tôi học đan lát từ hồi mới mười mấy tuổi. Hồi đó, tôi theo chân người lớn vô rừng chặt tre, lấy dây mây. Về nhà thì ngồi học đan từng chút một. Làm nhiều rồi quen tay, thế là thành cái nghề”.
Cũng như bao DTTS khác, thuở ấy, người Xơ Đăng phải tự tay làm ra những vật dụng thiết yếu cho gia đình như gùi, nia, rá, rổ. Những sản phẩm đầu tiên ông làm ra không phải để bán, mà để gùi sắn, gùi lúa, đựng ngô khoai. “Hồi xưa, trai Xơ Đăng không biết đan lát thì khó mà lấy vợ. Không tự làm được gùi, nia thì khó có ai gả con gái cho” – ông nói, rồi cười. Nụ cười hiền của ông chứa đựng tình yêu sâu sắc đối với công việc mà ông đã gắn bó cả đời.
Qua hàng chục năm, đôi tay từng làm ra hàng trăm chiếc gùi, chiếc nia nay vẫn khéo léo, kiên nhẫn như thuở nào. Khi được hỏi về quá trình làm ra một sản phẩm, ông A Khunh chỉ tay về phía mấy bó nan tre đã được chẻ sẵn, rồi bảo: “Muốn đan đẹp phải biết chọn cây. Tre không được già quá, cũng không được non quá. Phải chẻ mỏng đều tay, chuốt nhẵn thì mới mềm, mới dễ đan”.
Để hoàn thành một chiếc gùi, ông phải mất gần cả tuần. Còn nia, rổ, rá thì cũng mất ba đến bốn ngày mới xong. Tất cả đều làm thủ công, không có một công đoạn nào vội vàng hay gấp gáp.
Ngày còn khỏe, ông A Khunh thường xuyên chở sản phẩm đi khắp các thôn, xã để bán. Nay tuổi cao sức yếu, ông chỉ ở nhà, người quen biết ai cần thì tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm của ông, tùy vào từng loại và kích thước, có giá từ 50.000 - 200.000 đồng đối với rổ, nia; 200.000 - 500.000 đồng đối với gùi. Có người mua để dùng, cũng có người mua để trưng bày. Bà Y Yua – một người dân trong thôn từng mua gùi, nia của ông, chia sẻ: “Gùi, nia của ông A Khunh làm rất đẹp và bền lắm. Tôi dùng mấy năm nay rồi mà vẫn chưa hư hỏng gì”.
|
Không chỉ đan lát giỏi, ông A Khunh còn chế tác được nỏ, dụng cụ truyền thống gắn bó với đàn ông Xơ Đăng trong săn bắn và tự vệ. Cùng với đó, ông còn chế tạo khung dệt. Trong góc nhà, ông vẫn lưu giữ bộ khung kéo sợi, dệt vải do chính tay mình làm tặng vợ từ hơn 60 năm trước.
Cầm chiếc nỏ trên tay, ông A Khunh vừa ngắm nghía, vừa chia sẻ: “Giờ nỏ không còn dùng nhiều, nhưng vẫn có người tìm đến đặt tôi làm. Có người mê sưu tầm, mua nỏ treo nhà để nhắc con cháu biết ông bà xưa sống thế nào”.
Chỉ tay vào bộ khung kéo sợi trong góc nhà, ông bỗng trở nên trầm ngâm: “Bộ này tôi làm cho vợ. Giờ bà ấy vẫn dệt vải, nhưng sợi thì mua ngoài chợ, không còn kéo sợi như trước nữa. Tôi giữ lại bộ này, thỉnh thoảng lấy ra nhìn để nhớ về những ngày còn trẻ”.
Trong lời nói của ông, không chỉ có sự hoài niệm, mà còn là nỗi trăn trở về sự mai một của nghề truyền thống, những giá trị gắn bó với bao thế hệ giờ chỉ còn là những ký ức mờ nhạt.
Trước khi bước vào nhà ông A Khunh, tôi để ý thấy một lò rèn cũ nằm bên cạnh. Dù không đang đỏ lửa, nhưng dấu vết của những lần rèn vẫn còn rõ. Ông A Khunh nói: “Giờ tôi già rồi, không rèn được như xưa nữa. Nhưng ai mang đồ hư đến thì tôi vẫn nhận sửa. Bỏ nghề thì tiếc lắm. Nghề rèn là bố vợ truyền cho từ khi tôi mới cưới vợ. Làm nghề này cần sức khỏe, nhưng cũng cần phải có sự khéo léo và sáng tạo”.
Ông kể, ngày xưa trong xã có nhiều người biết rèn, nhưng giờ chỉ còn lại vài người như ông. Những con dao, cái rựa, cuốc do ông làm ra đã từng là công cụ thiết yếu trong công việc hàng ngày của người dân trong thôn, trong xã.
Ông A Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút chia sẻ, ông A Khunh là một trong những nghệ nhân tiêu biểu còn giữ được nhiều nghề truyền thống. Ông rất tận tình chỉ dạy, truyền cảm hứng cho lớp trẻ về việc gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Chính quyền xã cũng khuyến khích bà con, nhất là thanh niên, học hỏi lại những nghề truyền thống. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội phát triển du lịch cộng đồng sau này.
Trước lúc chia tay, ông A Khunh lại nhóm thêm củi vào bếp. Ngọn lửa bùng lên, ấm áp cả căn nhà nhỏ. Nhìn những sản phẩm đan lát xếp gọn trong góc nhà ông, tôi chợt nhận ra rằng dù cuộc sống có đổi thay từng ngày, nhưng vẫn có những con người lặng lẽ gìn giữ giá trị truyền thống. Giống như cái cách ông A Khunh nhóm thêm củi vào bếp, giữ cho ngọn lửa không tắt, vẫn luôn âm ỉ cháy qua năm tháng, cũng như cái cách ông âm thầm giữ gìn nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Có thể mai này, lớp trẻ dễ quên với nghề truyền thống, không mặn mà ngồi chẻ từng nan tre, chuốt từng sợi mây, rèn dao, cuốc, làm nỏ hay kéo sợi bằng tay. Tuy nhiên, chỉ cần có những người như ông A Khunh thì nghề truyền thống sẽ được gìn giữ và phát huy, cùng với đó là những câu chuyện về tình yêu lao động, tình yêu lứa đôi và niềm tự hào với văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Y Đô