Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững.
Ngoại giao kinh tế có thể bao gồm những công việc như tuyên truyền và thông tin về nước mình, cung cấp thông tin kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn vốn, bạn hàng, đối tác, thị trường; làm cầu nối cho các cuộc gặp gỡ và đàm phán quốc tế.
Những năm qua, tỉnh ta đã tận dụng, tranh thủ tối đa các mối quan hệ chính trị đối ngoại giữa nước ta với các nước để thực hiện ngoại giao kinh tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, đã triển khai hiệu quả, đảm bảo thực chất các nội dung về thương mại, đầu tư tại các thỏa thuận quốc tế về hợp tác giai đoạn 2022 – 2027 và giai đoạn 2023 - 2028 giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia; các bản ghi nhớ đã ký kết với chính quyền các tỉnh, doanh nghiệp Hàn Quốc.
|
Đẩy mạnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào và Campuchia; mở rộng quan hệ kinh tế với một số tỉnh của Thái Lan và Myanmar để từng bước hình thành trục, tuyến kinh tế, vận tải, logistics thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Công tác trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tiếp xúc, gặp gỡ với các địa phương, đối tác của các nước phát triển để xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác được đẩy mạnh, qua đó vận động, thu hút, tranh thủ các nguồn lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm, tri thức.
Như tháng 8/2023, Đoàn công tác của tỉnh đã tham dự Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ. Trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp tỉnh Kon Tum đã có cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp tại Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã dành nhiều sự quan tâm đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các loại gia vị chế biến từ gừng, ớt, quế và các loại rau quả.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đối tác nước ngoài tìm hiểu và triển khai hợp tác trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh hợp tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực.
Trong quá trình triển khai, tỉnh chú trọng phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành tận dụng, đề xuất các khuôn khổ, cơ chế, biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các địa phương, nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết cũng như tiềm năng, thế mạnh, tình hình thực tế của tỉnh.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Ngày 10/8/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
|
Hiện thực hóa quan điểm của Đảng, ngày 23/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Và mới đây, ngày 21/11, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4071/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác ngoại giao kinh tế.
Kế hoạch xác định tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, chủ động tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc với các tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp của các nước nhằm xúc tiến hợp tác, thu hút đầu tư.
Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn), thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Có chương trình, sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, có tính khả thi.
Tăng cường triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và của tỉnh Kon Tum nói riêng. Đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững của tỉnh Kon Tum và đất nước.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế bằng hình thức phù hợp có sự quản lý của Nhà nước nhằm thúc đẩy các kết quả, dự án cụ thể, trên cơ sở lấy hiệu quả thực chất và phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thường xuyên cử cán bộ, công chức của tỉnh tham gia khóa bồi dưỡng do Trung ương tổ chức và chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục uy tín mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế. Chú trọng công tác giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức, kỹ năng về ngoại giao kinh tế, kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế và hội nhập quốc tế.
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong quá trình triển khai là phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu. Đề cao đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương (cách tiếp cận toàn cầu); người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là động lực (cách tiếp cận toàn dân); bảo đảm sát tình hình đất nước và địa phương.
Sông Côn