Y Bienh nghĩ đúng, làm hay
“Muốn Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) đạt hiệu quả ở thôn Đăk Puih, trước hết, phải nỗ lực giảm tình trạng sinh con thứ 5 trở lên. Nếu người dân không kế hoạch hóa gia đình thì nguồn lực có tập trung đến đâu, có đầu tư thế nào cũng khó thoát nghèo bền vững” – chị Y Bienh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Puih, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy chia sẻ.
Là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Đăk Puih nên ngay từ khi Cuộc vận động được triển khai, chị Y Bienh đã nắm rõ nội dung cũng như các chỉ tiêu mà xã đề ra và phấn đấu đạt được.
Sinh ra và lớn lên ở Đăk Puih, lại được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn từ năm 2014, chị Bienh thuộc làu làu từng hộ trong thôn. Thậm chí, ai chăm chỉ, ai chây lỳ, ỷ lại, chị đều nắm chắc như “trong lòng bàn tay”.
Nắm được tình hình trong thôn, chị Bienh còn tâm huyết và hiểu trách nhiệm được giao phó. Vậy nên, chị luôn nỗ lực thông tin một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất các nội dung của Cuộc vận động mà Đảng ủy xã triển khai đến cho người dân.
Giở cuốn sổ mới thống kê về dân số, chị Bienh nhẩm tính: Mới đầu năm 2022 mà ở thôn có đến 23 mẹ sinh con thứ 3 trở lên. Toàn thôn có 242 hộ (kể cả những hộ mới tách) mà có hơn 1.400 khẩu. Ở đây, đa số đều sinh con thứ 4, thứ 5; có hộ đến 10, 11, 12 người con. Trước mắt phải giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc sinh con, chăm sóc các con rồi mới có thể tính đến chuyện “bày đàng làm ăn” – chị Bienh trải lòng.
|
Chị kể, nhiều hộ gia đình ở thôn không có gì ngoài... con nít. Nhiều nhà, vừa sinh xong đã tiếp tục mang bầu. Và cứ thế, từ khi lập gia đình, nhiều chị em chỉ có thời gian cho việc đẻ - bầu - đẻ. Kinh tế trong nhà do một tay người chồng đảm nhận. Người làm ít, con cái lại đông nên không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn “giàu con nghèo của”.
Để minh chứng, chị dẫn chúng tôi đến hộ gia đình bà Y Sắc. Bà Y Sắc có 8 người con; 8 người con lại sinh ra 29 người cháu.
Ghé tai tôi, chị Y Bienh nói nhỏ: Ngày nào, tháng nào chị cũng xuống đây để tuyên truyền, vận động, thậm chí mang cả thuốc tránh thai theo, hướng dẫn cẩn thận cách sử dụng để giúp người dân kế hoạch hóa. Bây giờ, trong nhà có 2 thành viên mới lập gia đình, mình phải tích cực vận động thêm nữa để họ biết kế hoạch hóa gia đình.
Lần này, có chuyển biến hơn nhiều so với những lần trước. Sau hơn 1 tiếng kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ, so sánh, giải đáp, thậm chí chỉ ra những điển hình trong việc kế hoạch hóa gia đình, chị Bienh phấn khởi khi các con của bà Y Sắc bày tỏ quyết tâm sẽ kế hoạch hóa gia đình, không sinh thêm con nữa.
Không chỉ đi từng nhà tuyên truyền, với những chị em không có phương tiện đi lại, khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chị Bienh đến tận nhà, khi thì chở đi, khi thì đưa thuốc tránh thai và hướng dẫn cách sử dụng.
Chị Bienh quặn lòng trước cảnh những đứa nhỏ chen chúc sinh sống trong những ngôi nhà lụp xụp, chật chội với những bữa cơm không đảm bảo chất dinh dưỡng. Chị lo lắng cho những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, bỏ học giữa chừng vì không có sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Chị cũng lo xa về vấn đề tệ nạn xã hội ở lứa tuổi vị thành niên trong thôn. Không lo sao được, khi những đứa trẻ cứ thế được sinh ra, không được quan tâm, chăm sóc, không được cho học hành đến nơi, đến chốn.
Với suy nghĩ đã ăn sâu vào gốc rễ, chị vẫn biết, để thay đổi không hề dễ dàng, nhưng không có nghĩa là việc tuyên truyền không có kết quả. Lật quyển sổ, chị Bienh bày tỏ niềm vui mừng khi năm qua, có vài trường hợp đã kế hoạch hóa gia đình. “Y Sum, Y Vét, Y Liên... đã biết kế hoạch rồi em. Mình vẫn hay lấy những trường hợp này để tuyên truyền với mọi người. Bây giờ, mục tiêu đặt ra là phải tuyên truyền sâu hơn nữa, rộng hơn nữa; phải cố gắng để giúp người dân hiểu và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bởi, chỉ có như thế, mới có thể thoát nghèo” – chị Bienh nói.
Vấn đề chị Bienh lo lắng cũng chính là điều Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Tờ Re quan tâm. Ông Huỳnh Quốc Thái – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re nói rằng, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể xã vào cuộc, tuyên truyền, vận động từng ngõ, từng nhà. Ngoài ra, còn phối hợp với người uy tín trong thôn để đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động.
Thân thuộc với người dân hơn, chị Y Bienh tâm tình, thủ thỉ, chia sẻ, nhắc nhở mọi nơi, mọi lúc. Chị nhờ người già nói với người trẻ; chị nhờ người có 2 con, gia đình khấm khá thủ thỉ, nói chuyện với người có đông con.
“Chị tin, mọi người sẽ thay đổi và thế hệ trẻ sẽ hiểu, biết dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt hơn” – chị Bienh chia sẻ.
Hoài Tiến