Xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả khá toàn diện.
Nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh thì nhận thức và hành động của nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới càng có sự chuyển biến tích cực.
|
Đến nay đã có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,2%; tăng 8 xã so với đầu nhiệm kỳ); 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 18 thôn tại các huyện biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Ngày 18/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện thành công mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương mình. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh lựa chọn 1 thôn (làng) đồng bào DTTS để làm điểm cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Nghiên cứu phân bổ, bố trí nguồn lực phù hợp theo phân cấp và khả năng để hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch.
Các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo lựa chọn 1 thôn (làng) và chỉ đạo mỗi xã chọn 1 thôn (làng) làm điểm xây dựng nông thôn mới ở cấp mình để rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Phát huy vai trò của chi bộ, ban công tác mặt trận, các đoàn thể thôn, già làng, người có uy tín, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và gương mẫu thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn (làng) nông thôn mới tại địa phương.
Huy động, lồng ghép, cân đối, bố trí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn để tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới; chú trọng các dự án phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như nước sạch, thủy lợi, giao thông nông thôn, dịch vụ viễn thông, cơ sở giáo dục, y tế…; khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.
Thực hiện tốt việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS, gắn với bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp. Đẩy mạnh thành lập và phát triển hợp tác xã kiểu mới; thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở khai thác các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương.
|
Tăng cường mối gắn kết trong cộng đồng dân cư, giữa các thôn (làng) để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy trình, quy định để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đề xuất các chính sách, cơ chế ưu tiên cho nhóm đối tượng hộ nghèo. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.
Việc ban hành Chỉ thị 12-CT/TU cho thấy sự lãnh đạo hết sức cụ thể, sâu sát và tập trung hướng về cơ sở, về đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với việc triển khai hiệu quả, sâu rộng Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững", Chỉ thị 12-CT/TU tiếp thêm sức mạnh, bổ sung nguồn lực, thúc đẩy bà con chung tay đoàn kết vượt lên chính mình để xây dựng nông thôn Kon Tum ngày càng giàu đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Nguyễn Quang Thủy