Xây dựng thói quen “đọc sách tích cực” cho học sinh
Để xây dựng thói quen đọc sách tích cực cho các em học sinh, nhiều trường học và các địa phương có nhiều hoạt động, sáng kiến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm duy trì và phát triển văn hóa đọc hiệu quả.
Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em, các trường học triển khai nhiều hoạt động, cuộc thi khuyến khích việc đọc sách cho học sinh như: kịch hóa tác phẩm văn học, câu chuyện lịch sử; tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách, các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để truyền lửa, tạo động lực cho các em. Bên cạnh đó, phối hợp với hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức hiệu quả các hoạt động luân chuyển sách, phát triển vốn tài liệu, xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đọc. Qua đó, giúp các em học sinh, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa có nhiều điều kiện để tiếp cận với sách, lan tỏa việc đọc ra cộng đồng.
|
Hàng năm, Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) tích cực kêu gọi các nguồn lực xã hội, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa về sách cho các em. Tiêu biểu như: Ngày hội sách kết hợp sinh hoạt cụm liên đội, các hoạt động kể chuyện, đố vui về sách, các trò chơi tương tác trực tiếp, thông qua mạng máy tính; kết hợp tổ chức các không gian thư viện, tủ sách trường học xanh, sạch, thân thiện và mô hình thư viện điện tử.
Em Y Ka Ưng (lớp 5B, Trường Tiểu học Cao Bá Quát) chia sẻ: Được tham gia nhiều hoạt động liên quan đến sách đã giúp em học tốt môn Tiếng Việt hơn. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động này còn giúp em hào hứng và thích đọc sách hơn, từ đó em tích lũy thêm kiến thức và học tập tốt hơn.
Cô Doãn Kim Huế- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho biết: Trường có 100% học sinh là con em đồng bào DTTS, nên việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường càng trở nên quan trọng. Bên cạnh tổ chức các hoạt động phong trào, nhà trường còn chú trọng xây dựng các “tủ sách thư viện lưu động” ở các lớp và các hoạt động khác ngay tại thư viện trường; giới thiệu sách hay trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giới thiệu dưới cờ, thông qua chương trình phát thanh của nhà trường. Thông qua những hoạt động này nhằm khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho các em, giúp các em trau dồi vốn tiếng Việt, làm nền tảng để học tốt các môn còn lại.
|
Để xây dựng, bồi dưỡng văn hóa đọc sách trong học sinh, ngoài các hoạt động phong trào hàng năm, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum) chú trọng xây dựng hệ thống thư viện đạt chuẩn, có không gian mở, thân thiện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình tra cứu tài liệu. Hệ thống thư viện toàn trường hiện có hơn 11.000 bản sách với đa dạng các loại phục vụ công tác giảng dạy, học tập; được số hóa, bảo quản, lưu trữ và cải tiến, đổi mới thường xuyên.
Cô Phạm Thị Như Hoa- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết: Trường chú trọng phát huy vai trò của hệ thống thư viện trong việc xây dựng cho các em học sinh thói quen đọc sách. Theo đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với Thư viện tỉnh triển khai công tác luân chuyển, mượn sách nhằm làm phong phú, đa dạng vốn tài liệu phục vụ các em học sinh. Bên cạnh đó, còn triển khai còn phối hợp triển khai nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả khác như: “Tủ sách lưu động”, “Xe thư viện lưu động đa phương tiện”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương tốt”; các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn các em ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm tài liệu, đọc sách online. Nhà trường còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng với Phong trào “Sách cũ cho năm học mới” và “Tặng một cuốn sách để đọc được nhiều cuốn sách” để ủng hộ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa”.
Chị Trần Thị Kim Phương- Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho biết: Để xây dựng văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học, chúng tôi phối hợp với các ngành, các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, hình thành “văn hóa đọc” cho học sinh thông qua nhiều hoạt động phong trào, mô hình văn hóa tự học. Đặc biệt, với những chuyến xe thư viện đa phương tiện lưu động luân phiên về cơ sở đã góp phần tạo cơ hội cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận với sách báo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Qua đó, góp phần lan tỏa tình yêu sách đến với tất cả mọi người, nhất là với lứa tuổi học sinh.
Hoàng Thanh