Xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Linh
Ngọc Linh là xã vùng cao, vùng xa, khó khăn nhất của huyện Đăk Glei. Trong những năm qua, mặc dù Đảng bộ, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trong xã đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm so với lộ trình đã đăng ký.
Xã Ngọc Linh hiện có 12 thôn với hơn 2.800 khẩu, 95% là người DTTS. Toàn xã có 553 hộ nghèo, chiếm gần 77% số hộ. Triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay, Ngọc Linh đã đạt 9/19 tiêu chí, đó là tiêu chí quy hoạch, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, quốc phòng và an ninh. Như vậy, so với quy định, Ngọc Linh vẫn còn đến 10 tiêu chí chưa đạt.
Theo chính quyền xã Ngọc Linh, điểm xuất phát khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới của xã rất thấp, bình quân thời điểm năm 2010 mới đạt 2,62 tiêu chí; điều kiện về tự nhiên, nhất là địa hình của xã chia cắt, đồi núi cao, đất dốc, giao thông đi lại khó khăn; một số người dân nhận thức về xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ít trong khi nhu cầu thực tế và nguồn lực đầu tư lớn, trong đó, hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu. Đặc biệt, với xã Ngọc Linh, đời sống người dân còn nghèo nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn...
|
Trao đổi với chúng tôi, ông A Tốc- Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với việc thực hiện các tiêu chí như giao thông, nhà ở khu dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm... Hiện nay, xã vẫn còn tới 4 thôn chưa có đường ô tô đến thôn, đường đi hiện nay chỉ là đường mòn lại dốc cao; đời sống người dân nghèo, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 95%, trong khi đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa tập trung; các hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, người dân chưa mạnh dạn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh...
“Chính địa hình đồi núi, dốc, nhiều thôn không có đường ô tô đến thôn hoặc thôn có nhưng do đường dốc quá cao nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng rất khó khăn, từ đó, kéo theo nhiều tiêu chí cũng khó đạt như tiêu chí về đường giao thông, nhà ở. Ngoài ra, cũng do đường sá đi lại khó khăn nên hàng hóa, nông sản của người dân làm ra bán thấp hơn thị trường, do đó ảnh hưởng đến thu nhập...”-ông A Tốc cho hay.
|
Cũng theo ông A Tốc, hàng năm nguồn vốn đầu tư để triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới còn thấp, bởi với số vốn được cấp hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông thì với địa bàn thuận lợi có thể làm được cả tuyến đường nhưng với Ngọc Linh thì rất khó, có khi chỉ làm được nửa con đường. Vì xã là địa bàn xa, đường sá đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển, nhân công cũng cao hơn nhiều so với địa bàn khác. Trong khi đó, người dân nghèo nên việc huy động nguồn lực từ người dân rất khó. Vì vậy, theo ông A Tốc, cần tăng mức đầu tư nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đối với xã vùng sâu như Ngọc Linh.
Thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền xã Ngọc Linh tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục đích, nội dung, phương châm, cách làm trong xây dựng nông thôn mới dựa vào nội lực một cách sâu, rộng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt mục tiêu dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Thực hiện việc rà soát và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các thôn, phù hợp với lộ trình và thứ tự ưu tiên, xây dựng các công trình trọng yếu. Mở các lớp nghề phù hợp với hình thức tổ chức sản xuất mới theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm nông sản nói chung, dược liệu và một số lâm sản khác nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh về cây dược liệu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, đồng thời kêu gọi các nguồn lực khác như Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và tổ chức chính trị xã hội vận động, kêu gọi hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát…góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu về nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn nông thôn mới.
Hà Nam