Xã Pờ Y: Tích cực vận động, hỗ trợ người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Pờ Y là xã biên giới của huyện Ngọc Hồi với 47,6% dân số là đồng bào DTTS. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn xã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân, đặc biệt là đồng bào các DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Theo đó, Đảng ủy xã Pờ Y đã lãnh đạo UBND xã chủ trì phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội của địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt Cuộc vận động); qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn; giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm tự giác vươn lên trong cuộc sống. Vận động, hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chi tiêu hợp lý, tích luỹ để có vốn đầu tư mở rộng trồng trọt, chăn nuôi.
|
Đến nay, UBND xã Pờ Y đã vận động, hướng dẫn 92 hộ dân chuyển đổi được 40ha ruộng trồng lúa thường sang thâm canh các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25. Ủy ban MTTQVN xã Pờ Y xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho một số hộ gia đình trồng cây ăn trái, rau sạch. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh xã đã hỗ trợ 30 hộ gia đình hội viên xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, nuôi heo đen, heo sọc dưa, nuôi cá. Tổng kinh phí của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội hỗ trợ để triển khai các mô hình sản xuất kể trên khoảng 57 triệu đồng. Các mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện thu nhập,từ đó để các hộ khác học tập, vươn lên.
Ông Thao La (ở làng Đăk Mế) là một trong những tấm gương sáng, đi đầu trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo và hướng đến làm giàu.
Ông Thao La cho biết: Với sự vận động tích cực của chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pờ Y, gia đình tôi mạnh dạn cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái; vay vốn đầu tư nuôi bò, heo và gieo trồng hơn 1ha lúa ST24. Năm 2021 vừa rồi, từ tiền bán heo, bò, lúa, mì, gia đình tôi thu về được gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với gia đình tôi và là động lực để gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao kinh tế gia đình.
Với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đúng đắn của địa phương trong phát triển kinh tế- xã hội và ý thức vươn lại của đại bộ phận người dân, tình hình kinh tế- xã hội của xã Pờ Y ngày càng có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên. Diện tích trồng cây hàng năm của xã Pờ Y đạt khoảng 1.071 ha, diện tích trồng cây lâu năm 2.644ha, tổng đàn gia súc đạt 2.109 con. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022- 2025 hiện còn 136 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,4%; hộ cận nghèo có 92 hộ, chiếm 3,65%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 40 triệu đồng/năm. Trên 90% số người trong độ tuổi của xã có việc làm thường xuyên; 37% lao động qua đào tạo; 86% hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Đảng ủy xã Pờ Y tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung xây dựng các tổ liên kết sản xuất như: Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa của hội viên phụ nữ xã; tổ liên kết trồng, chăm sóc cà phê; Tổ liên kết trồng, chăm sóc mắc ca... Tiếp tục xây dựng các mô hình giúp hộ nghèo vươn lên với mục tiêu năm 2022 giảm được 10-15 hộ nghèo. Phát huy vai trò của già làng trong tuyên truyền, vận động người dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; từng bước thực hiện lộ trình xây dựng các thôn đồng bào DTTS gồm Tà Ka, Đăk Răng, Kon Khôn, Đăk Mế, Iệc đạt chuẩn nông thôn mới.
Để người dân thực sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm cần một quá trình dài, tuy nhiên, với những kết quả đạt được ban đầu cho thấy, hướng đi, giải pháp của Pờ Y là phù hợp để tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thiên Hương