Xã Đăk Năng: Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng ủy xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) chỉ đạo UBND xã cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện Cuộc vận động, lồng ghép công tác tuyên truyền, lấy gương điển hình tiến tiến trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở địa phương để tuyên truyền, vận động từng hộ nghèo DTTS học hỏi và làm theo.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Năng A Đam đưa chúng tôi về thôn Jơ Drợp, nơi cư trú của 100% người dân tộc Rơ Ngao (nhánh Ba Na). Đường làng được bê tông phẳng rộng, sạch sẽ. Hai bên đường là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang với cổng, rào thẳng tắp. Quang cảnh ở đây giống như một khu phố kiểu mẫu.
Hộ gia đình ở thôn Jơ Drợp tôi đến thăm là ông A Ker. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông A Ker vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Rót ly trà nóng mời chúng tôi, ông cười vui vẻ: Tôi được khỏe mạnh như thế này chính là nhờ lao động. Vả lại bây giờ các con cũng đã trưởng thành, lập gia đình hết rồi nên tinh thần cũng thoải mái. Cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây, nay khác xưa nhiều lắm.
Qua tâm sự, tôi biết gần 20 năm trước, gia đình ông A Ker cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn chỉ biết bám vào rẫy với phương thức canh tác lạc hậu, nên cái nghèo cứ bám dai dẳng. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, ông A Ker nhiều đêm suy nghĩ phải thay đổi cung cách làm ăn thì mới có thể thoát nghèo.
Ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác ruộng nước, ông A Ker còn mạnh dạn đầu tư vào trồng cao su, cà phê. Ban đầu chỉ 1-2ha, sau ông phát triển dần lên đến con số chục ha. Qua học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, những người có kinh nghiệm đi trước, nên cây trồng của ông A Ker có năng suất, sản lượng cao, thu nhập của gia đình tăng dần lên theo từng năm. Nhờ vậy, gia đình ông có “của ăn của để”, nuôi 9 người con học hành đàng hoàng. Con ông, người học thấp nhất cũng hết lớp 12, còn lại đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
|
Dừng một lúc nhấp ngụm trà, ông A Ker cho biết: Bây giờ các con lập gia đình hết rồi, nên tôi chia dần diện tích cà phê, cao su và tài sản khác cho các con. Tôi chỉ còn giữ lại 2ha cao su, 5 sào cà phê, 1ha ruộng nước, 1 xe tải vận chuyển hàng… Thu nhập của vợ chồng tôi sau khi trừ chi phí còn khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông A Ly Khôn - Bí thư Chi bộ thôn Jơ Drợp cho biết: Ông A Ker còn vận động, giúp đỡ bà con trong thôn phát triển kinh tế. Thấy ông A Ker vươn lên nhờ thay đổi cách thức sản xuất nên bà con trong thôn học hỏi và làm theo.
Xã Đăk Năng có 5 thôn với 901 hộ, 4.159 nhân khẩu; trong đó có 2 thôn người DTTS là thôn Jơ Drợp ( 316 hộ) và thôn Rơ Wăk (320 hộ), chiếm 76,6% dân số toàn xã. Toàn xã có 10 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo tập trung tại 2 thôn người DTTS. Đây cũng chính là trăn trở của Đảng ủy và chính quyền xã trong mục tiêu xóa hộ nghèo.
Sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện Cuộc vận động, lồng ghép công tác tuyên truyền; lấy gương điển hình tiên tiến trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở địa phương để tuyên truyền, vận động từng hộ nghèo trong 2 thôn người DTTS học hỏi và làm theo.
Sau 1 năm triển khai Cuộc vận động, đến nay, có 20/29 hộ gia đình DTTS nghèo và cận nghèo trên địa bàn 2 thôn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư. Và hiện tại đã có 5/29 hộ DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Năng A Đam cho biết: Xã đề ra chỉ tiêu xây dựng, duy trì từ 1 đến 3 mô hình thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để giúp các hộ DTTS thoát nghèo. Hiện nay, xã đang triển khai 3 mô hình gồm: mô hình cải tạo vườn tạp trồng xen cây ăn trái tại thôn Jơ Drợp; mô hình nuôi bò sinh sản với 14 hộ tham gia tại thôn Rơ Wăk; mô hình nuôi gà trong từng hộ gia đình ở thôn Jơ Drợp, Rơ Wăk.
|
Với quyết tâm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” cùng với những kết quả đã đạt được ban đầu, tin chắc rằng xã Đăk Năng sẽ xóa hết hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian không xa.
Đức Nhuận