Vùng đất lửa hồi sinh
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến thắng Măng Bút là một trong những thắng lợi đỉnh cao của chiến tranh nhân dân tại tỉnh Kon Tum, tạo tiền đề cho quá trình giải phóng tỉnh nhà và khu vực Bắc Tây Nguyên. Trải qua 50 năm từ khi được giải phóng, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Măng Bút đã đoàn kết, đồng lòng, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Là người gắn bó với mảnh đất Măng Bút, ông A Quyền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Măng Bút hiểu rõ sự đổi thay của vùng đất lửa một thời, nơi ghi danh chiến công oanh liệt của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Ông A Quyền chia sẻ, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã Măng Bút đến nay được nâng cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân. Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi được triển khai hiệu quả. Cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương, chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra sức thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có được hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống gia đình.
|
Các hội viên, nông dân xã Măng Bút hiện nay tập trung phát triển các loại cây trồng gồm lúa nước 567ha, bắp 200ha, mì 195ha, cà phê xứ lạnh 37,7ha, cây ăn quả 34,6ha, dược liệu 97,2ha; đồng thời, phát triển chăn nuôi gia súc, gồm trâu, bò, heo, dê với tổng số lượng hơn 3.510 con và phát triển đàn gia cầm với số lượng hơn 8.000 con.
“Xã Măng Bút có 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động. Trên địa bàn xã có 10 hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và 13 hội viên, nông dân có máy cày, máy xay lúa gạo”- ông A Quyền nói.
Bên cạnh thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhân dân trên địa bàn xã Măng Bút còn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xã Măng Bút hiện nay có 1.262 hộ dân, trong đó đồng bào Xơ Đăng chiếm tỷ lệ 98%. Tiếp nối di sản văn hóa của các thế hệ đi trước để lại, cộng đồng dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn xã vẫn còn lưu giữ sinh hoạt các phong tục, lễ hội truyền thống như chuồng trâu, ăn lúa mới, cúng máng nước; 10/10 thôn của xã đều có nhà sinh hoạt cộng đồng và có đội cồng chiêng xoang, nhiều gia đình trong xã còn gìn giữ nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc.
|
Ông A Minh- Bí thư Chi bộ thôn Tu Nông cho hay, thôn có nghệ nhân A Vùng còn làm nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng. Nghệ nhân A Vùng đang là đội trưởng đội cồng chiêng, xoang của thôn, ông am hiểu và biết đánh, chỉnh cồng chiêng. Trong thôn còn có nghệ nhân A Đặng A đang gìn giữ nghề đan lát và nghệ nhân Y King biết chế tác nhạc cụ dân tộc.
Theo Đảng ủy xã Măng Bút, từ khi được giải phóng cho đến nay, dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực và điều kiện thiết yếu để từng bước khôi phục lại kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Hạ tầng kinh tế- xã hội của xã được quan tâm, đầu tư đồng bộ hằng năm. Hệ thống đường giao thông giữa các thôn được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân, thúc đẩy giao thương phát triển. Các chương trình MTQG được triển khai hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã theo hướng tiến bộ. Các mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi heo, trồng dược liệu, nuôi cá tầm ngày càng được người dân nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 36 triệu đồng/năm. Đến nay, Măng Bút đã đạt chuẩn 14/19 tiêu chí của xã nông thôn mới. Xã phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành 19/19 tiêu chí và về đích nông thôn mới.
Ông A Chôn- Phó Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút cho biết, sau khi giải phóng, từ một địa phương còn lạc hậu, xã Măng Bút đã vươn mình đổi mới và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Trong thời gian tới, xã Măng Bút tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, hướng dẫn người dân chăm sóc các diện tích cây trồng, đàn vật nuôi hiện có; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các đối tượng trên địa bàn xã, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng năm, từng nhiệm kỳ đề ra.
Đức Thành